Những tấm rèm với họa tiết vẽ tay tinh tế; những tay nắm cửa chạm khắc tinh xảo; bộ sưu tập đèn Tiffany; gian bếp với cơ man những chiếc chảo đủ loại, cho thấy chủ nhân của nó mê và thạo nấu nướng đến thế nào… – đó là không gian sống của Diva Thanh Lam và người bạn đời hiện tại của chị: Bác sĩ nhãn khoa Bùi Tiến Hùng.
Gần 5 năm làm người một nhà, họ nói về những điểm giống và khác trong cách nhìn đời, nhìn nghề và những “phương pháp mổ” có thể giúp tạo ra điểm gặp giữa hai cách nhìn…
“Ánh mắt ám ảnh tôi nhất trong suốt hơn 35 năm làm nghề là…”
Trên hành trình làm nghề của một bác sĩ nhãn khoa mà tính tới nay đã kịp cán đích ca mổ thứ 5.000 bằng kỹ thuật Phakic ICL, ánh mắt nào là ám ảnh anh nhất?
– BS Hùng: Có thể nói, một trong những may mắn của tôi trong suốt 35 năm qua là luôn được làm nghề trong những môi trường sôi động về chuyên môn, nghĩa là có rất nhiều bệnh nhân để tôi có dịp được nâng cao và hoàn thiện tay nghề của mình, bằng vào việc tiếp cận những công nghệ cao, tiên tiến…
Nhưng ánh mắt ám ảnh tôi hơn cả là lại ánh mắt của một người lính trẻ, trẻ lắm (chắc chỉ khoảng 19 – 20 tuổi), trong một căn lán dựng tạm bên bờ suối trước cửa hang nơi trận địa Vị Xuyên (Hà Giang), khi tôi là trạm trưởng trạm phẫu thuật tiền phương và làm nghề trong một điều kiện thô sơ nhất, vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Biên giới. Đó là một buổi chiều thu nắng vàng thật đẹp, giữa một khung cảnh quá đỗi huê tình, nhưng ánh mắt của cậu lính trẻ khi lặn lội bò từ chốt xuống trạm quân y để xin phép bác sĩ được vào gặp riêng người bạn đồng đội vừa hy sinh của mình, trong khoảng lặng hiếm hoi giữa những đợt pháo cối thì lại buồn trĩu đến mức ám ảnh. Người lính trẻ không khóc (một kiểu chia tay rất lính) nhưng đó là một ánh mắt không thể buồn hơn. Nó ám ảnh tôi suốt hơn 35 năm qua và mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy sống mũi mình cay xè vì bao kết nối thiêng liêng với đồng đội, với quá khứ lại ùa về không dứt…
– Thanh Lam: Đó có lẽ cũng chính là nguồn cảm hứng đã giúp bố tôi (nhạc sĩ Thuận Yến) và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết nên những giai điệu và ca từ đẹp trong ca khúc “Màu hoa đỏ” mà tôi từng thu âm năm 21 tuổi, cũng như đã hát trong buổi tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng: “…Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/… Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn…”.
– BS Hùng: Quả thật mỗi khi nghe Thanh Lam hát bài hát đó, ký ức trong tôi về ánh mắt đó lại trỗi dậy… Một đôi mắt tôi chưa từng động dao kéo, nhưng lại như thể đã khía vào tôi một nhát dao buồn từ cuộc chiến…
“Về nhà chỉ cần tông phải một cánh hoa cũng là chết rồi”Dưới cùng một ánh sáng đèn, bên là ánh đèn phòng mổ, bên là ánh đèn sân khấu, hai tâm thế làm nghề khác nhau thế nào?
– BS Hùng: Trong ngành mổ mắt hay ngành phẫu thuật thì nguyên tắc đầu tiên là phải nhìn rõ, nhìn hết các lớp, các vùng…, thì ánh đèn đó, cùng với chiếc kính hiển vi, nó giúp soi rõ các lớp làm nên cấu trúc của con mắt mà bình thường chúng ta không thể quan sát bằng mắt thường được. Cảm giác đó nó rất phiêu linh, nó giúp ta nhìn rõ vị trí của kính Phakic nó nằm đã chuẩn chưa, có đe dọa gì không, và cần thay đổi cấu trúc mắt thế nào để bệnh nhân sau đó nhìn được rõ hơn, không gặp phải nguy cơ tái cận…
– Thanh Lam: Nếu như ánh đèn của một bác sĩ nhãn khoa giúp họ nhìn thấy các lớp của một đôi mắt thì ánh đèn của một ca sĩ, trước vô vàn ánh mắt của khán giả lại cho họ một cảm giác đa chiều, nhiều cung bậc, không lần nào giống lần nào, khi nó cộng hưởng với tâm trạng của mình, cảm xúc từ bài hát, sự khích lệ của khán giả. Có những lúc dưới ánh đèn ấy mình nhìn rõ từng gương mặt, cảm giác hạnh phúc tràn ngập như mình đang được đứng trên một đỉnh núi; nhưng cũng có lúc ánh đèn đó nó lại khiến mình cảm thấy cô đơn kinh khủng, không thấy ai ngoài mình, thì cái ánh đèn đó không chỉ giúp mình nhìn ra ngoài mà là nhìn sâu vào bên trong mình và đó là một cảm giác cô đơn cũng rất phiêu linh đối với một người nghệ sĩ. Nếu như ánh đèn của một bác sĩ trong phòng mổ thường rất chắc chắn và giúp soi rọi mọi ngóc ngách thì ánh đèn của một nghệ sĩ nhiều khi rất mong manh và xóa nhòa mọi ranh giới giữa bên trong và bên ngoài mình.
– BS Hùng: Dù một kíp mổ mắt thường có 5 người nhưng cảm giác cô đơn dưới ánh đèn của bác sĩ mổ chính cũng rất thường trực, cô đơn vì trách nhiệm, vì áp lực đứng mũi chịu sào, vì biết không ai có thể cứu mình ngoài mình khi sai sót… Trong ngành mắt của chúng tôi cũng như ngành y nói chung thường có câu: “Khi gặp tai biến chỉ có Chúa mới cứu mình được”, và cảm giác cô đơn đó chính là cảm giác của một bác sĩ giàu trách nhiệm với bệnh nhân của mình, công việc của mình…
Sau gần 5 năm làm người một nhà, cách nào để dung hòa hai cái nhìn khác nhau giữa hai cá tính làm nghề?
– BS Hùng: Là một thằng đàn ông, lại làm nghề bác sĩ, thường tôi thích những gì thật chắc chắn và đơn giản, trong khi một nghệ sĩ có cá tính mạnh như Thanh Lam khi về nhà thì lại rất thích bày biện các thứ. Lam là văn hóa bày biện cầu kỳ, còn tôi là văn hóa tối giản. Về nhà không cẩn thận là đụng chạm đủ thứ, nhiều khi rất là phiền, bạn nhìn xem, mấy cái đèn kia mà tông đổ thì là xong phim còn gì, tông phải cánh hoa cũng là chết rồi. Về nhà không cẩn thận là ăn mắng như chơi. Cả ăn uống cũng thế, tôi quan niệm chỉ cần ăn làm sao đủ cho sức khỏe, không phải mất nhiều thời gian, còn Lam thì tính thích bày biện, lại chiều chồng nên lúc nào cũng thích cầu kỳ…
– Thanh Lam: Không phải mắng mà là kiểu như không ai chịu nhận lỗi cả, ai cũng có lý của mình.
Giờ thì anh đã hiểu cái lý của sự cầu kỳ chưa?
– BS Hùng: Cũng có lúc hiểu được, lại có lúc không tài nào hiểu nổi. Phép cộng đó đôi khi là sự bổ khuyết cần thiết cho nhau, nhưng cũng cần phải hiểu.
– Thanh Lam: Lúc đầu tôi nhìn vào sự đơn giản của anh Hùng như một sự thiệt thòi của một người có quá ít thời gian dành cho mình và cảm nhận kỹ lưỡng mọi thứ quanh mình. Với một nghệ sĩ thì sự quan sát kỹ lưỡng và thái độ nâng niu cuộc sống là một điều vô cùng quan trọng để giúp họ tạo được một bể lắng tâm hồn và tích tụ cảm xúc cho mình.
Nhưng dần già, việc sống cạnh một người đơn giản cũng khiến tôi nhận thấy cái hay của sự tương đối, tối giản. Mọi sự trong cuộc sống thật ra nó chỉ tương đối thôi, không tuyệt đối như mình vốn quen đặt ra các tiêu chí. Một đời sống mà mình buông xuống, không quá cầu kỳ sẽ rất dễ bình yên, không có bị không hài lòng điều này không hài lòng điều kia. Nếu quá cầu toàn, kỳ vọng thì sẽ rất dễ thất vọng và thu hẹp quyền lựa chọn của mình. Và rõ ràng, cái sự tương đối nó có cái hay của nó đấy, nó có vẻ đẹp của sự giản dị.
Nếu có một “phương pháp mổ” để dung hòa hai cách nhìn này thì đó sẽ là phương pháp nào?
– Thanh Lam: Tôi nghĩ để chữa cái nhìn của mình cần phải có thời gian. Sau hai năm đầu tìm hiểu nhau, tôi hiểu rằng nếu tình yêu đủ lớn, tự khắc sẽ chịu hy sinh, giảm thiểu những sở thích của mình để tạo ra sự thoải mái cho người kia. Trong tình yêu không thể bắt người yêu hay người chồng/ người vợ của mình chỉ có theo lẽ sống của mình, sở thích của mình. Quả thật nếu tình yêu đó đủ lớn thì sự hy sinh đó sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản.
Trong tình yêu tôi cũng là là người rất chịu khó sửa mình để thích nghi và hoàn thiện bản thân mình. Đó chính là sự nhường nhịn. Tất nhiên nếu hy sinh quá thì cũng không vui, nó nên là sự hy sinh vừa đủ, mình hay người bạn đời của mình đều không làm lố cái gì, vậy là đủ. “Phương pháp mổ” đó của tôi chắc có thể gọi là “phương pháp nhường”.
– BS Hùng: Phương pháp của tôi chắc có tên là “hoán đổi”. Dường như có hai thái cực ở tôi: Một người khi về nhà rất đơn giản nhưng trong công việc thì lại hết sức cầu kỳ. Hay nói đúng hơn, Thanh Lam chính là phiên bản của tôi trong công việc, rất cầu kỳ tỉ mỉ, rất là bày biện, vì trong thế giới của phòng mổ, công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì ca mổ càng dễ thành công bấy nhiêu.
“Cặp kính lý tưởng nhất là giúp ta có được ánh mắt từ bi”
Một dịch giả từng nói với tôi rằng: “Tôi tập cách nhìn của người cận thị”, khi quỹ thời gian không còn nhiều. Còn một bác sĩ chuyên chữa cận thì như anh thì muốn chọn cho mình cặp kính nào?
– BS Hùng: Cái hay của người cận thị là không nhìn xa, đa phần người cận thị không mấy quan tâm đến chung quanh, không bị phân tâm. Nhưng nếu được chọn thì tôi muốn chọn cho mình cặp kính dung hòa được cả hai, để không bỏ qua bất cứ vẻ đẹp nào của cuộc sống.
Còn trong tình yêu thì sao, anh có thường nghĩ xa?
– BS Hùng: Nếu còn trẻ thì tôi sẽ nghĩ xa. Nhưng càng từng trải và càng chiêm nghiệm tôi càng thấy quả thật không nên nghĩ xa, vì càng nghĩ xa thì sẽ càng dễ thất vọng nhiều.
Sống cạnh một người đàn ông mà không thích nghĩ xa về chuyện tình cảm, liệu chị có cảm thấy bất an?
– Thanh Lam: Tôi hiểu ý anh Hùng ở đây là sống tốt cho hiện tại và đó chính là thành tựu sống. Nhưng tôi nghĩ đời sống thì phải có mục tiêu, tình yêu cũng vậy. Thường thì mình sẽ không làm chủ được đời sống của mình đâu, có những điều xảy ra sẽ không như mình nghĩ, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho tình yêu của tôi và anh Hùng sẽ có được một cái kết bình yên. Như trong một cảnh phim kinh điển mà tôi rất thích, đó là lúc người chồng trước khi chết đã cầm tay người vợ và nói: “Anh cảm ơn em đã bên anh đến tận giây phút cuối cùng này”. Điều đó rất gần với mong muốn của tôi trong tình yêu, đó là có thể tạm biệt nhau cho đến tận hơi thở cuối cùng.
Vậy cặp kính mà chị muốn sắm cho mình để nhìn đời?
– Thanh Lam: Cặp kính lý tưởng nhất theo tôi là cặp kính có thể giúp chúng ta có được một cái nhìn nhân hậu, một ánh mắt từ bi. Đó chính là mắt kính sẽ giúp ta đi tới hạnh phúc.
Nguồn: Laodong.vn