Những hoạt động diễn ra trong trại hè “Học làm chiến sĩ Công an” tại Học viện Cảnh sát Nhân dân nhằm giúp trẻ rèn tính tự lập, kỉ luật trong sinh hoạt.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, cả phụ huynh và con trẻ đều có thể bị thu hút bởi những hình thức giải trí trên Internet, điện thoại, laptop… Đặc biệt vào dịp nghỉ hè, nhiều cha mẹ lo lắng hơn khi con không đi học, có thể mải chơi, sinh hoạt không điều độ.
Vì vậy, những năm qua, các hoạt động mùa hè cho trẻ như khóa học ngắn hạn, khóa tu mùa hè, khóa huấn luyện ngắn hạn… trở nên phổ biến, thu hút hàng trăm học sinh đăng ký mỗi đợt tuyển sinh.
Trong đó, trại hè “Học làm chiến sĩ Công an” được tổ chức tại Học viện Cảnh sát Nhân dân kéo dài 8 ngày trở thành lựa chọn của nhiều gia đình.
Chương trình này bao gồm các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, kỹ năng thuyết trình, đem đến những trải nghiệm thú vị, những kiến thức bổ ích.
Từ đó, giúp các em hình thành nhân cách, quan điểm sống tích cực qua các chuyên đề học tập như: an toàn giao thông, an toàn nơi công cộng, an toàn khi sử dụng Internet, phòng chống cháy nổ, phòng chống xâm hại và bắt cóc trẻ em.
Gặp em Trần Quốc Dũng trong trại hè, cậu bé 7 tuổi hào hứng kể về cuộc sống cùng các anh chị trong kí túc xá: “Là người nhỏ tuổi nhất phòng, cháu được các anh chị lớn tuổi hơn giúp đỡ rất nhiều, từ gấp chăn, giặt quần áo. Cháu rất thích thú khi được học về lòng yêu nước, về biển đảo Việt Nam, học võ, học nhảy dân vũ”.
Hoạt động trong một ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ, được sắp xếp chi tiết và khoa học, giúp các học viên rèn luyện tính tự giác và kỷ luật, đồng thời xây dựng cho các em nếp sống lành mạnh, khoa học.
Em Nông Đức Hùng (lớp 6, Bắc Giang) kể, em có 2 lần tham gia khóa học này: “Bắt đầu từ 2023, trong học kỳ công an, chúng cháu xưng tôi – đồng chí với các chỉ huy, quản lý thay vì gọi là thầy hay anh chị. Vì đây là môi trường đặc thù, cần tuân theo kỷ luật”.
Khi được hỏi về một điều mà bản thân nhận về nhiều nhất từ khóa học, Đức Hùng không ngần ngại trả lời: “Nếu chỉ được chọn một, cháu chọn bạn bè. Vì bạn bè đã giúp cháu cố gắng mỗi ngày và tạo nên tính cách, con người của ngày hôm nay”.
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy – chuyên gia tâm lý giáo dục Kỹ năng sống báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, “các em có tính cách khác nhau, đến từ các vùng miền khác nhau, thói quen phong tục khác nhau. Nhưng khi vào khóa huấn luyện, chúng tôi bắt đầu rèn giũa các em với sự kiên nhẫn và nghiêm túc.
Xây dựng một tập thể, các em làm quen với những nội quy, quy định, xây dựng những thói quen tích cực. Từ đó, các em có những thay đổi về nhận thức, hành vi. 8 ngày nói không với thiết bị công nghệ, thay vào đó là phủ kín lịch trình bằng những hoạt động bổ ích, phải thực hiện theo mệnh lệnh chung.
Có thể 8 ngày không thay đổi được một con người, nhưng có thể thiết lập kỷ luật và xây dựng mục tiêu, tạo thời gian biểu khoa học để các em cải thiện sức khỏe, tinh thần”.
Anh Nguyễn Thành Nghĩa – người trực tiếp quản lý kỷ luật của khóa chia sẻ, khi đón các “đồng chí” nhí vào trại hè, an toàn của các em được đặt lên hàng đầu.
Nhiều em mới 5 – 6 tuổi, có khi chưa thể tự buộc dây giày, gặp khó khăn trong việc giặt quần áo. Khi đó, các tình nguyện viên và điều phối viên sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để các em quen dần với nếp sinh hoạt mới.
“Sau khóa học, các em có nhiều thay đổi. Trước hết, các em thay đổi trong lời ăn tiếng nói, biết chào hỏi mỗi khi gặp người lớn. Không ít phụ huynh kể rằng con em họ về nhà vẫn duy trì nếp sống nội vụ, tự gấp chăn màn, giày dép để gọn gàng, biết giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà.
Trải qua 8 ngày, các em trải qua nhiều cảm xúc như vui, buồn, có cả những giọt nước mắt vì đã vượt qua chính mình và những nụ cười vui vẻ”, anh Nguyễn Thành Nghĩa nói.
Nguồn: Laodong.vn