Một lối sống tích cực sẽ giúp tăng tuổi thọ con người, bởi 85% các bệnh mãn tính là do chế độ ăn uống, tập thể dục và sinh hoạt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, ngày càng có nhiều người sống đến 100 tuổi. Dù vậy, không có nghĩa là những người có tuổi thọ cao sống khỏe mạnh.
Greg Macpherson, chuyên gia sức khỏe tế bào cho biết, “tuổi thọ sức khỏe” của chúng ta hiện nay đang không theo kịp “tuổi thọ” về mặt sinh học.
Tuổi thọ là số năm con người sống được từ khi sinh ra đến khi chết, trong khi tuổi thọ sức khỏe là khoảng thời gian họ sống với sức khỏe tốt mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.
Macpherson nói: “Chúng ta đang sống lâu hơn, nhưng chúng ta vẫn phải vật lộn trong khoảng 25% cuộc đời còn lại với một số dạng bệnh tật”.
Ông cho biết thêm, khoảng 65% những người trên 60 tuổi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe.
Đó là lý do tại sao con người nên chú trọng tăng tuổi thọ sức khỏe qua một số thói quen lành mạnh, khoa học.
Tập thể dục
Tiến sĩ Luigi Ferrucci thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết: “Nếu tôi phải xếp hạng các thói quen theo thứ tự ưu tiên, tôi sẽ nói rằng tập thể dục là điều quan trọng nhất liên quan đến việc sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn”.
Những thay đổi tự nhiên của cơ thể khi con người già đi có thể dẫn đến mất dần cơ bắp, giảm năng lượng và đau nhức khớp. Điều đó có thể khiến bạn muốn di chuyển ít hơn và ngồi nhiều hơn, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh.
Giảm cân
Một cách khác để cải thiện sức khỏe là giảm cân. Tiến sĩ Ferrucci khẳng định: “Béo phì, với chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 30, là một yếu tố nguy cơ tử vong sớm và làm giảm tuổi thọ hoạt động của bạn”.
Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng việc thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Giữ cơ thể trong trạng thái ổn định, lượng thức ăn nạp vào khoa học, lành mạnh sẽ giúp cơ thể hoạt động tuần hoàn, tiêu hóa tốt hơn
Tăng lượng protein hấp thụ theo độ tuổi
Thịt bò, thịt thú rừng, thịt gia cầm, cá và hải sản đều chứa hàm lượng lớn nhất các axit amin thiết yếu và chuỗi nhánh, creatine quan trọng để xây dựng và duy trì cơ bắp săn chắc.
Đảm bảo lượng protein hấp thụ tối ưu không chỉ làm tăng cơ mà còn cải thiện các chỉ số khác của sức khỏe: huyết áp, lượng đường trong máu, tình trạng viêm và nguy cơ ung thư.
Nghiên cứu nổi tiếng OmniHeart của Đại học Harvard phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều protein có hiệu quả hạ huyết áp cao hơn nhiều so với chế độ ăn ít protein, nhiều carbohydrate. Nhóm tiêu thụ chế độ ăn nhiều protein cũng có mức tăng cholesterol HDL tốt cao nhất và mức giảm triglyceride gây viêm.
Bổ sung chất chống oxy hóa
Cà phê là nguồn cung cấp polyphenol tuyệt vời, hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa để cơ thể tự chống viêm nhiễm. Cà phê cũng đã được chứng minh là có tác dụng chống bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường, cũng như chống lại sự suy giảm nhận thức và kéo dài telomere trong DNA.
Chú trọng việc dưỡng ẩm
Hãy nhớ dưỡng ẩm. Theo Nhà xuất bản Y tế Harvard, “những người khỏe mạnh nói chung” nên uống từ 4 đến 6 ly nước mỗi ngày.
Bên cạnh đó, việc ít nạp đường, muối cũng tốt cho sức khỏe để cơ thể không rơi vào tình trạng mất nước. Khi phải xử lý quá nhiều đường, cơ thể phải làm việc quá tải, dễ gây các bệnh mãn tính.
Nguồn: Laodong.vn