Tình trạng già hóa dân số tăng nhanh xảy ra tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… khi giới trẻ có xu hướng ngại kết hôn, sinh con.
Ngại đẻ vì áp lực nuôi con
Tỉ suất sinh của phụ nữ châu Á thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Nguyên nhân khiến người trẻ tại nhiều quốc gia châu Á sinh ít con, thậm chí không sinh con là do họ khó có đủ tiền để nuôi một đứa trẻ.
Báo cáo của Viện nghiên cứu dân số Dục Oa có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 2 cho thấy, chi phí nuôi dạy một người con ở Trung Quốc cho đến năm 18 tuổi là 538.000 tệ (gần 78.000 USD).
Con số này gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức 4,11 lần ở Mỹ; 4,26 lần ở Nhật Bản và 2,08 lần ở Australia. Nếu chỉ tính riêng khu vực đô thị, chi phí lên tới 667.000 tệ (92.700 USD).
Hàn Quốc, đất nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, cũng là nơi có chi phí nuôi con đắt đỏ nhất thế giới, cao gấp 7,79 GDP bình quân đầu người.
Tương tự, tại Việt Nam, chuyên gia đánh giá có nhiều lý do khiến phụ nữ tại TPHCM chọn sinh ít hoặc không sinh con. Ví dụ, áp lực công việc, kinh tế khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chi phí nuôi dạy trẻ cao. Một số người sợ mất việc cũng như cơ hội thăng tiến khi sinh con, hoặc không đủ điều kiện để chăm con tốt nhất, cần thời gian cho bản thân.
Theo báo cáo Đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số của Bộ Y tế, toàn cầu hóa, đô thị hóa và hội nhập văn hóa, chủ yếu từ các nước phát triển có mức sinh thấp làm thay đổi mô hình gia đình, kết hôn, sinh con và tăng nhanh quá trình di cư cả trong nước và quốc tế; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, áp lực cuộc sống, việc làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Khuyến sinh là cấp thiết
Theo Cục Dân số, Việt Nam đang trải qua quá trình giảm sinh nhanh hơn so với thế giới. Trước đây, mỗi phụ nữ ở thành thị sinh trung bình hơn 1,7 con, nhưng trong hai năm trở lại, con số này giảm xuống dưới 1,7.
Ở nông thôn, tỉ lệ sinh năm 2024 cũng dự kiến giảm xuống dưới mức sinh thay thế.
Mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống).
Khi tổng tỉ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế.
Mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt.
Tại khu vực kinh tế, xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, thậm chí rất cao hơn 2,5 con.
Trong khi đó, ở một số vùng đô thị, kinh tế, xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.
Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.
Nhật Bản là quốc gia có tỉ suất sinh rất thấp, và tỉ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Tỉ lệ người dân trong độ tuổi trên 65 chiếm tới gần 30% dân số với 36,23 triệu người.
Nhật Bản đang triển khai các biện pháp chưa từng có nhằm thay đổi xu hướng giảm dân số hiện nay. Giới chức nước này đã thành lập cơ quan trẻ em và gia đình, cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ em. Đây là nỗ lực của Nhật Bản nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình khi sinh con và chăm sóc con nhỏ.
Trung Quốc – quốc gia với hơn 1,4 tỉ người – lần đầu tiên đối mặt với vấn đề mức sinh giảm sau 60 năm. Sự sụt giảm dân số trong năm 2022 mở màn giai đoạn khủng hoảng dân số cho quốc gia vốn dựa vào nguồn nhân lực đông đảo cho phát triển kinh tế.
Nguồn: Laodong.vn