Câu chuyện hi hữu xảy ra khi cô gái chưa chồng bất ngờ trở thành “chị” của con ruột sau khi đơn xin nhận cháu làm con nuôi của bố mẹ cô được chấp thuận.
Một vụ việc hi hữu vừa được tòa án Singapore xử lí gần đây, thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo Oriental Daily, để giảm bớt áp lực nặng nề từ kỳ thi A-level, một cô gái 18 tuổi đã quan hệ với nhiều người đàn ông khác nhau để giải tỏa tâm lí. Kết quả là cô có thai ngoài ý muốn và sinh con ngoài giá thú.
Do không duy trì liên lạc với các bạn tình, cô không thể xác định được cha ruột của đứa trẻ. Như vậy, trên giấy khai sinh của bé trai chỉ có tên mẹ.
Sau khi đứa trẻ chào đời, cha mẹ của cô gái (tức ông bà ngoại của đứa bé) đã đứng ra nhận trách nhiệm chăm sóc cháu.
Khi bé được 6 tháng tuổi, ông bà nộp đơn xin nhận cháu làm con nuôi. Quyết định này được đưa ra với mong muốn mang lại một môi trường ổn định và đầy đủ tình thương cho đứa trẻ.
Tuy nhiên, quá trình xét duyệt đơn xin không hề suôn sẻ.
Sau một năm điều tra, Giám đốc Phúc lợi được chỉ định làm người giám hộ tạm thời của đứa bé đã phản đối đơn này. Vị giám đốc đưa ra lập luận: việc ông bà trở thành cha mẹ và mẹ ruột trở thành chị gái trên giấy tờ là trái tự nhiên và có thể gây nhầm lẫn cho đứa trẻ trong tương lai.
Vị này cũng lo ngại, khi đứa trẻ lớn lên và phát hiện ra sự thật về nguồn gốc của mình, điều này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của con.
Đối mặt với sự phản đối này, ông bà của đứa trẻ kiên quyết bảo vệ quyết định của mình.
Họ nhấn mạnh rằng việc trì hoãn nhận con nuôi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của con gái họ, thậm chí cô còn có ý định tự tử và tự làm tổn thương cơ thể.
Ông bà cam kết sẽ nói sự thật cho đứa trẻ khi đến tuổi thích hợp, đồng thời khẳng định rằng chưa bao giờ yêu cầu đứa trẻ gọi họ là bố mẹ hay gọi mẹ ruột là chị gái.
Về mẹ ruột đứa trẻ, hiện đã 21 tuổi. Cô xác nhận, mình tự nguyện từ bỏ quyền làm mẹ và không có mối liên hệ tình cảm với đứa con.
Cô cũng thừa nhận không có mong muốn và không có khả năng làm mẹ của đứa trẻ. Quan trọng hơn, cô hiểu rõ rằng một khi đứa trẻ được nhận làm con nuôi, cô sẽ không thể đòi lại quyền làm mẹ trong tương lai.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh của vụ việc, thẩm phán quyết định chấp thuận đơn xin nhận con nuôi của ông bà.
Tòa án nhận định, đây là giải pháp tốt nhất cho đứa trẻ, đặc biệt khi xét đến việc mẹ ruột không muốn và không có khả năng nuôi con một mình, cũng như không xác định được cha ruột của đứa trẻ.
Thẩm phán cũng nhấn mạnh rằng việc chấp thuận nhận con nuôi sẽ cho phép ông bà có toàn quyền quyết định về cuộc sống của đứa trẻ, điều này sẽ có lợi cho sự phát triển lâu dài của cháu.
Vụ việc này đã và đang làm dấy lên nhiều tranh luận sôi nổi trong dư luận Singapore, đặt ra nhiều câu hỏi về quyền nuôi con, vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy trẻ, và tầm quan trọng của việc cân nhắc lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ trong các quyết định pháp lý.
Nó cũng làm nổi bật các vấn đề xã hội phức tạp như mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, áp lực học tập, và tầm quan trọng của giáo dục giới tính.
Nguồn: Laodong.vn