Quan ngại việc sử dụng điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của trẻ em độ tuổi thanh thiếu niên, trên thế giới ngày càng có nhiều lời kêu gọi thực hiện việc cấm điện thoại thông minh trong trường học và hạn chế giới trẻ sử dụng mạng xã hội.
Cấm sử dụng điện thoại trong trường học
Làn sóng ủng hộ việc hạn chế thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học và truy cập mạng xã hội đang diễn ra ở một số quốc gia, theo bài viết trên CNA.
Vào tháng 6, Tổng Y sĩ Mỹ, Tiến sĩ Vivek Murthy tuyên bố sẽ thúc đẩy việc dán nhãn cảnh báo sức khỏe trên các nền tảng mạng xã hội để cảnh báo các cha mẹ về nguy cơ “tổn hại sức khỏe tâm thần đáng kể đối với thanh thiếu niên”.
Trong vài tháng qua, một số bang và quận ở Mỹ cũng đã cấm điện thoại thông minh trong trường học với nỗ lực giúp học sinh tập trung nghe giảng và tương tác với nhau nhiều hơn.
Thống đốc New York, Kathy Hochul đã ký một Dự luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội hạn chế “nguồn cấp dữ liệu gây nghiện” cho người dùng dưới 18 tuổi, trừ khi có sự đồng ý của phụ huynh. Theo luật này, trẻ em sẽ không nhận được nguồn cấp dữ liệu gợi ý theo thuật toán mà chỉ được xem bài đăng từ những tài khoản đang theo dõi.
Các động thái trên diễn ra sau một năm kể từ khi UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc – khuyến nghị rằng tất cả các trường học nên cấm điện thoại thông minh để giải quyết tình trạng mất tập trung trong lớp học, cải thiện chất lượng học tập và giúp bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng Internet.
Các quốc gia như Trung Quốc, Pháp, Phần Lan, Italia và gần đây nhất là Hà Lan đã cấm điện thoại thông minh trong trường học. Vương quốc Anh đang cân nhắc ban hành động thái tương tự.
Singapore không cấm hoàn toàn điện thoại thông minh ở tất cả các trường học, tuy nhiên một số trường không cho phép học sinh sử dụng thiết bị này trong lớp. Nhưng các lệnh cấm khó có thể ngăn cản trẻ em chơi game ngoài giờ học. Và ngay cả khi các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Meta và TikTok buộc phải hạn chế người dùng chưa đủ tuổi, thì một nền tảng thay thế khác sẽ có thể sớm xuất hiện và thu hút giới trẻ.
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 tại Singapore, độ tuổi trung bình một đứa trẻ được sử dụng thiết bị kết nối Internet đầu tiên là khoảng 8 tuổi, sớm hơn 2 năm so với độ tuổi trung bình toàn cầu là 10 tuổi. Hậu COVID-19, độ tuổi này thậm chí còn nhỏ hơn.
Một cuộc khảo sát khác do Bệnh viện Bà mẹ và trẻ em KK năm 2022 cho thấy, hầu hết trẻ em từ 3 đến 7 tuổi ở Singapore đều dành thời gian trước màn hình quá nhiều.
Tại các đường phố, nơi công cộng, không khó để quan sát thấy rất nhiều người vừa đi vừa dán mắt vào màn hình điện thoại, băng qua đường mà không hề ngước lên. Nhiều phụ huynh thậm chí cũng để mặc cho trẻ nhỏ làm điều tương tự, chăm chú vào màn hình điện thoại thông minh khi ngồi trên xe đẩy.
Vấn đề đặt ra là người lớn nên trở thành những tấm gương tốt và hướng dẫn trẻ nhỏ cách sử dụng loại công nghệ hiện đại nhưng “gây nghiện” trong thời đại của chúng ta ngày nay.
Thiết lập giới hạn lành mạnh và vai trò của cha mẹ
Nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, tác giả cuốn sách “Thế hệ lo âu”, đưa ra lời khuyên cha mẹ không nên cho trẻ em sử dụng điện thoại thông minh cho đến khi vào cấp hai.
Mặc dù thời gian tiếp xúc với màn hình điện thoại quá lâu sẽ gây ra tác hại nhưng các cha mẹ không nên đi theo hướng cực đoan là cấm trẻ không được lên mạng hoặc sử dụng các công cụ mới nhất. Chẳng hạn Youtube ngoài việc để giải trí, còn có thể sử dụng như một kênh tự học hiệu quả cho trẻ thông qua rất nhiều các kênh giáo dục bổ ích.
Theo tác giả Ian Yong Hoe Tan, Giảng viên truyền thông tại Trường Truyền thông và Thông tin Wee Kim Wee, Đại học Công nghệ Nanyang, để giúp trẻ em tìm được sự cân bằng phù hợp, các gia đình nên bắt đầu bằng cách cất hết các thiết bị điện tử và dành thời gian cho các bữa cơm quây quần, đầm ấm bên nhau.
Chủ đề trò chuyện trong bữa tối có thể xoay quanh những gì đang diễn ra trong cuộc sống của các thành viên trong gia đình. Khi con cái kể ra những thách thức mà chúng gặp phải trong thế giới trực tuyến, cha mẹ sẽ chia sẻ quan điểm để giúp chúng suy nghĩ thấu đáo mọi việc.
Cha mẹ cũng nên thường xuyên trò chuyện cùng các con để cập nhật những xu hướng trực tuyến mới nhất của giới trẻ để hòa nhập và chia sẻ cùng con.
Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là dễ dàng, các bậc phụ huynh nên để con cái sử dụng điện thoại thông minh đúng thời điểm và tự mình trang bị đủ kiến thức về công nghệ nhằm hướng dẫn con vượt qua những vấn đề phức tạp trong “mê cung” trực tuyến. Theo mọi nghĩa của cụm từ này, chúng ta đơn giản là không thể để mặc con cái tùy ý sử dụng điện thoại thông minh, mà cần có sự đồng hành của cha mẹ.
Nguồn: Laodong.vn