Những tư thế Yoga mà các mẹ bầu nên tránh tập luyện để không ảnh hưởng đến sức khỏe và thai nhi.
Tư thế nằm sấp
Các tư thế nằm sấp như Bow Pose (Dhanurasana) và Locust Pose (Salabhasana) yêu cầu người tập nằm áp bụng xuống sàn, tạo một lực mạnh lên vùng bụng. Tuy nhiên, tư thế này có thể sẽ khiến các mẹ bầu giãn cơ bụng (diastasis recti) và gây đau lưng trực tiếp hoặc vùng chậu.
Thay vì tập các tư thế Yoga nằm sấp, các mẹ bầu có thể thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng như Cat-Cow Pose (Marjaryasana-Bitilasana) để giảm căng thẳng cho vùng lưng và bụng.
Tư thế xoắn người
Các tư thế xoắn trong các bài tập Yoga như Revolved Triangle Pose (Parivrtta Trikonasana) và Lord of the Fishes Pose (Ardha Matsyendrasana) có thể tạo áp lực lên các cơ quan nội tạng và làm giảm không gian cho thai nhi phát triển.
Bên cạnh đó, các tư thế này có thể gây cản trở lưu thông máu, làm giảm lượng oxy và dưỡng chất cung cấp cho thai nhi.
Chính vì vậy, các mẹ bầu có thể thực hiện các tư thế xoắn nhẹ nhàng như Open Twist in Chair Pose để giảm áp lực cho cơ thể và đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Tư thế gập người phía trước
Tư thế gập người phía trước, hai chân khép lại của bài tập Yoga sẽ gây áp lực trên phần trên bụng và làm mất cân bằng. Đây cũng là lý do khiến trọng lượng thai nhi tăng dần làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, khiến các tư thế gập người của mẹ bầu trở nên khó khăn và gây đau mỏi lưng.
Thay bài tập trên, các mẹ bầu có thể thực hiện các tư thế gập người nhẹ nhàng với hai chân mở rộng như Wide-Legged Forward Bend (Prasarita Padottanasana) để giảm áp lực cho bụng và duy trì cân bằng của cơ thể.
Tư thế nằm ngửa
Tư thế Shavasana (Corpse Pose) yêu cầu người tập nằm ngửa hoàn toàn trên sàn. Trong giai đoạn cuối thai kỳ, tư thế này có thể khiến các mẹ bầu gặp áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, làm giảm lượng máu ở tim và hạ huyết áp gây tình trạng chóng mặt hoặc buồn nôn.
Mẹ bầu nên thực hiện tư thế Shavasana biến thể bằng cách nằm nghiêng sang bên trái hoặc sử dụng gối để nâng đỡ cơ thể, giúp duy trì lưu thông máu và tạo cảm giác thoải mái cho cơ thể.
Tư thế đảo ngược cơ thể
Các tư thế đảo ngược toàn bộ cơ thể như Headstand (Sirsasana) và Handstand (Adho Mukha Vrksasana) có nguy cơ gây mất cân bằng cho người tập, đặc biệt khi cơ thể mẹ bầu trở nên nặng nề và khó kiểm soát. Ngoài ra, các tư thế này có thể gây căng thẳng lên cơ bụng và lưng, làm tăng nguy cơ chấn thương.
Thay vì tập luyện các tư thế đảo ngược, các mẹ bầu có thể thực hiện các tư thế đảo ngược nhẹ nhàng hơn như Legs-Up-the-Wall Pose (Viparita Karani) để giảm căng thẳng cho bụng, và bảo đảm an toàn cho thai nhi.
Nguồn: Laodong.vn