Thi cao khảo đạt hơn 600 điểm, 4 học sinh ở Trung Quốc khó bước chân vào trường đại học danh tiếng do ảnh hưởng vì bố mẹ giả nghèo khổ để lợi dụng tiền từ thiện.
Theo Toutiao (Trung Quốc), ngay khi kết quả thi tuyển sinh đại học được công bố, những câu chuyện xoay quanh các gia đình luôn là chủ đề “nóng” trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong đó, vụ việc của cặp vợ chồng họ Jiang ở Hồ Nam, Trung Quốc đã làm bùng nổ sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, nhà họ Jiang có 4 cậu con trai cùng tuổi, gồm Jiang Yunlong, Jiang Yunxiao, Jiang Yunhan và Jiang Yunlin. Năm nay, cả 4 đều tham gia thi cao khảo và đạt kết quả tốt.
Anh cả được 650 điểm, có cơ hội trở thành sinh viên Đại học Thanh Hoa. Hai người khác đạt hơn 600 điểm và một thành viên chạm mốc 599 điểm.
Đây không phải là kết quả bất ngờ bởi thời còn đi học, 4 anh em đều là những gương mặt tiêu biểu trong trường. Họ có vẻ ngoài tri thức, yêu thích đọc sách và tính cách hiền lành. Cả 4 đều có mục tiêu và hoài bão tương lai.
Tưởng chừng thành tích của 4 cậu con trai là một chuyện vui, nhưng gia đình họ Jiang lại chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía dư luận, liên quan đến chuyện trọng nam khinh nữ và cung cấp thông tin sai sự thật.
Theo đó, vào năm 2006, cặp vợ chồng Jiang Shounian và Tan Chaoyun đã sinh 4 bằng phương pháp thụ thai tự nhiên. Họ từng gây chấn động dư luận khi sản phụ sinh 4 cậu con trai ở tuổi 41.
Sau khi nổi tiếng trên truyền thông, Jiang Shounian và vợ bắt đầu kế hoạch giả nghèo để xin tiền của mọi người. Họ chuyển đến sống trong một ngôi nhà đổ nát và nói rằng gia đình đang gặp khó khăn tài chính.
Nhiều người đã tìm đến giúp đỡ, quyên góp số tiền 320.000 NDT. Không chỉ vậy, các tổ chức khác còn hỗ trợ phí sinh hoạt cho gia đình 2.000 NDT/tháng.
Việc học hành của 4 đứa trẻ cũng được hỗ trợ. Ban đầu, do vấn đề đăng kí hộ khẩu gặp khó, 4 cậu con trai không được theo học ở các trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, dưới áp lực dư luận, chính quyền địa phương đã “bật đèn xanh” cho gia đình, giúp con cái họ được đi học và miễn học phí.
Khi những cậu con trai lớn lên, vợ chồng Jiang Shounian và Tan Chaoyun tiếp tục diễn cảnh nghèo khó để lấy sự đồng cảm. Nhưng thực chất, mọi câu chuyện là gia đình tự thêu dệt lên. Ông Jiang Shounian không chỉ làm việc trong nhà máy mà còn là cổ đông, giám sát của công ty đầu tư gần 600.000 NDT.
Dù vậy, họ vẫn lợi dụng lòng tốt của mọi người, sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ xã hội. Bên cạnh đó, gia đình này cũng có một ngôi nhà khác khang trang hơn, sở hữu tài sản tương đối tốt.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm khiến dư luận tẩy chay gia đình họ Jiang liên quan đến vấn đề trọng nam khinh nữ. Năm 2007, thông qua một số kênh truyền thông Hong Kong (Trung Quốc), nhiều người phát hiện ra gia đình trên còn có 2 cô con gái tên Jiang Na và Jiang Zhen.
Jiang Na sinh năm 1994, là chị cả trong gia đình nhưng không được bố mẹ yêu thương. Không chỉ vậy, trong quá trình cải tạo nhà, bố mẹ chỉ để ý đến 4 cậu con trai, không xây dựng phòng riêng cho con gái. Jiang Na phải sống trong nhà bếp.
Từ khi có 4 em trai, Jiang Na trở thành một trong những trụ cột chính của gia đình. Cô gánh vác nhiều trách nhiệm, tự lập sớm, chăm sóc các em và đi làm công việc bán thời gian để lo học phí.
Tiếp nối Jiang Na, cô con gái thứ hai là Jiang Zhen xuất hiện và cuối cùng bị cho đi làm con nuôi ở gia đình khác. Trước khi 4 cậu bé ra đời, người mẹ cũng từng mang thai đôi cặp song sinh nữ nhưng lại lựa chọn phá thai.
Hành động của hai vợ chồng Jiang Shounian và Tan Chaoyun đối với con gái làm dấy lên làn sóng chỉ trích ở Trung Quốc. Nhiều người cho rằng vấn đề đạo đức, suy nghĩ trong gia đình họ Jiang có vấn đề.
Áp lực dư luận khiến 4 cậu con trai trở thành “nạn nhân” của mạng xã hội. Những bí mật trong gia đình trở thành chủ đề bàn tán khiến con đường vào đại học của họ bị ảnh hưởng.
Nguồn: Laodong.vn