Các bậc phụ huynh cần có hướng giải quyết nhanh chóng, phù hợp khi các con có dấu hiệu tị nạnh nhau.
Việc trẻ nhỏ tị nạnh và tranh cãi nhau là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cách cha mẹ xử lý kịp thời sẽ giúp các con giải quyết được những xích mích cũng như không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Theo đó, một số cách dưới đây mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo đưa ra những phương án phù hợp để tránh trường hợp các con tị nạnh nhau.
Điều quan trọng đầu tiên khi thấy trẻ tị nạnh nhau, việc cha mẹ cần làm chính là tìm hiểu nguyên nhân và lắng nghe cảm xúc của chúng. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng cũng như giúp các bé dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình.
Cha mẹ cố gắng lắng nghe lý do của từng trẻ và đặc biệt, không đổ lỗi cho bé khi chưa hiểu rõ nguyên nhân gây mâu thuẫn. Cách làm này cũng sẽ giúp các bé có thể nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn.
Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy trẻ cách giải quyết xung đột và bày tỏ ý kiến cá nhân nhưng không làm tổn thương đến người khác. Điều này bao gồm việc sử dụng ngôn từ tích cực, biết lắng nghe và tôn trọng quan điểm của người khác.
Việc rèn luyện kỹ năng này không chỉ giúp giảm bớt mâu thuẫn giữa anh chị em, bạn bè mà còn giúp các bé phát triển những kỹ năng quan trọng cho cuộc sống sau này.
Cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để mối quan hệ giữa anh chị em, bạn bè của trẻ có thể phát triển một cách bền chặt. Điều này bao gồm cả việc khuyến khích các bé cùng tham gia các hoạt động chung với gia đình như chơi thể thao, làm việc nhà hay lựa chọn những bộ môn giải trí mà các thành viên cùng quan tâm…
Ngoài ra, cha mẹ cần dành thời gian riêng cho mỗi đứa trẻ để nói chuyện, hiểu tâm tư của trẻ để có cách phân xử công bằng cũng như tránh được việc các con hình thành sự ghen tị lẫn nhau.
Đây cũng là cách hiệu quả góp phần tạo nên môi trường sống trong gia đình luôn hòa thuận, đoàn kết và giúp trẻ có sự phát triển toàn diện một cách tốt nhất.
Nguồn: Laodong.vn