Cậu bé bị lạc ở ga tàu khi 3 tuổi trở thành tiến sĩ và hành trình 12 năm tìm cha mẹ ruột

Sau 28 năm lưu lạc, từ đứa trẻ mồ côi bị lạc ở ga tàu đến nghiên cứu sinh, tiến sĩ ở Canada, chàng trai trẻ gốc Hoa đã gặp lại mẹ ruột sau 12 năm tìm kiếm, nhưng bố anh đã không còn.

Cậu bé bị lạc ở ga tàu khi 3 tuổi trở thành tiến sĩ và hành trình 12 năm tìm cha mẹ ruột

Trên SCMP mới đây chia sẻ câu chuyện của một nghiên cứu sinh, tiến sĩ người Canada gốc Hoa, bị thất lạc cha mẹ 28 năm.

Chàng trai có tên Gouming Martens. Sau 12 năm không ngừng nghỉ tìm lại bố mẹ ruột, anh đã gặp lại được mẹ, nhưng bố đã không còn.

Gần ba thập kỷ trước, khi mới chỉ 3 tuổi, Gouming bị lạc đường khi đi cùng bố mẹ từ nhà ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đến quê mẹ ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.

Ảnh Gouming chụp cùng bố mẹ ruột trước khi bị lạc. Ảnh: Sydney Today

Những người tốt bụng thấy cậu bé đi lạc nên gửi anh đến trại trẻ mồ côi. Tại đây, anh được cặp vợ chồng người Hà Lan có tên Jozef và Maria Martens nhận nuôi vào năm 1996 trong một chuyến du lịch tới Trung Quốc.

Cặp vợ chồng đặt tên cho cậu bé là Gouming, theo tên mà trại trẻ mồ côi đặt cho cậu – Gou Yongming – để cậu bé nhớ về cội nguồn gốc Hoa của mình. Martens là họ của bố mẹ nuôi.

Trong suốt quá trình nhận nuôi và chăm sóc Gouming, Jozef và Maria luôn ủng hộ con trai tìm kiếm cha mẹ ruột. Năm 2007, cả gia đình của Gouming cùng nhau trở về Trung Quốc để tìm kiếm manh mối, nhưng trại trẻ mồ côi ngày ấy đã không còn. Tuy nhiên, Gouming không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm cha mẹ ruột.

Gouming dành 5 năm để học lại tiếng Quan Thoại mà anh đã quên và đi làm thêm để trả tiền cho 3 chuyến đi đến Trung Quốc trong những năm học đại học.

Năm 2012, Gouming đăng ký với Baobeihuijia, Baby Come Home – một hoạt động tình nguyện nhằm giúp mọi người tìm kiếm gia đình thất lạc. Anh bắt đầu công cuộc tìm kiếm cha mẹ ruột của mình với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên.

Cùng lúc đó, Gouming cũng hoàn thành chương trình học tại Đại học Leiden ở Hà Lan và tốt nghiệp bằng Tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học McGill ở Canada.

Hiện anh làm việc tại Canada với vai trò là chuyên gia về nhận dạng giọng nói AI.

Gouming hiện tại, chụp cùng bố mẹ nuôi là người Hà Lan. Ảnh:  Sydney Today

Tháng 10 năm ngoái, Gouming nhận tin vui khi các tình nguyện viên của Baobeihuijia thông báo rằng DNA của anh trùng khớp với một người phụ nữ có tên Wen Xurong.

Kết quả giám định cho thấy Wen Xurong là mẹ ruột và cha ruột của anh là một người đàn ông tên Gao Xianjun. Cả hai chưa bao giờ ngừng tìm kiếm con của mình với cái tên Gao Yang.

Theo lời bà Wen Xurong kể lại, sau khi lạc mất con, bà bị một tên côn đồ lừa về nhà và ép bà phải sinh con với y. Sau đó, bà bị bỏ rơi và mắc chứng tâm thần. Hiện, bà Wen đã tái hôn và có một cô con gái với chồng mới.

Bố của Gouming – Gao Xianjun, đã đi bộ từ Tứ Xuyên đến Giang Tô cách đó 1.700km để tìm con. Ông mất năm 2009.

Năm 2017, em trai của ông Gao Xianjun đã liên lạc với bà Wen và yêu cầu bà đăng ký DNA với cảnh sát, đăng tải những thông tin của con trai bà lên Baobeihuijia.

Bằng các kỹ năng nghiệp vụ, Baobeihuijia xác định Gouming chính là con ruột của bà Wen và ông Gao Xianjun.

Chàng tiến sĩ đoàn tụ với mẹ ruột và cha dượng, em gái cùng mẹ khác cha ở Tứ Xuyên. Trong bữa cơm đoàn tụ, cha dượng đã nấu cho Gouming đủ loại món ăn từ khoai tây sau khi biết khoai tây là lương thực chính ở Hà Lan và Canada.

Gouming trong bữa ăn đoàn tụ cùng mẹ ruột, cha dượng và em gái cùng mẹ khác cha. Ảnh: Sydney Today

Sau đó, Gouming đến thăm mộ cha mình ở Giang Tô và không giấu nổi những giọt nước mặt. Tại đây, anh gặp được các chú và cô của mình.

Chú ruột của Gouming gửi cho Gouming số tiền mà ông Gao đã dành dụm. Người chú này cũng viết một lá thư để cảm ơn cha nuôi Gouming vì đã “nuôi dạy anh trở thành một người tài đức mà nhiều người khao khát trở thành” và “vì đã giúp anh trai tôi được yên nghỉ” khi thấy con trai ruột của ông trưởng thành.

Câu chuyện của Gouming khiến nhiều độc giả cảm động.

Nguồn: Laodong.vn