Mới đây một tờ báo điện tử dẫn công bố từ Numbeo – nền tảng trực tuyến thành lập năm 2009 tại Serbia, cung cấp dữ liệu về chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống và các thông tin liên quan khác ở nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới rằng: Gia đình 4 người ở TPHCM phải chi ít nhất 44 triệu đồng/tháng.
Liệu có tin được không khi mà mức thu nhập và chi tiêu 40-50 triệu đồng mỗi tháng ở Việt Nam được cho là khá giả, thậm chí tương đối giàu có thì Numbeo lại nói rằng, đó chỉ là mức tối thiểu.
Một số ý kiến cho rằng, số liệu của tổ chức thống kê không sát với thực tế ở Việt Nam, nên đôi khi cũng chỉ để xem tham khảo mà thôi.
Thứ nhất, nếu hai vợ chồng đi làm lương trung bình 22 triệu đồng một người mỗi tháng, thì cũng không nhiều gia đình đạt mức này để bình quân.
Thứ hai, về đầu ra chi phí sống hằng tháng 44 triệu đồng cũng chưa sát bởi các tổ chức thường lấy giá mua sản phẩm từ siêu thị, trung tâm thương mại, còn phần nhiều người dân lại đi chợ. Vì vậy chi phí không cần phải 44 triệu đồng mới sống ở thành phố được mà thực tế thấp hơn vẫn sống tốt.
Tuy nhiên, cũng có người dẫn chứng: “Tôi ở TPHCM, nhà 4 người, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ 7 tháng, đã có nhà. Gia đình tôi có thuê một người chăm đứa nhỏ, chi phí một tháng trung bình 40 triệu đồng, chưa tính phát sinh”.
Có người tính toán: “Nhà mình sống TPHCM gồm 2 vợ chồng, một bé 4 tuổi, thuê nhà 10 triệu đồng, ăn uống 12 triệu đồng, tiền học của con 8 triệu đồng, cafe, ăn ngoài, tàu xe 15 triệu đồng, quà cáp, biếu cha mẹ, mua sắm, học hành, bảo hiểm 15 triệu đồng, phát sinh tào lao 5-10 triệu đồng nữa. Nếu bớt nữa thấy chất lượng sống đi xuống. Mà chi tiêu vậy thấy vẫn không phải là quá thoải mái gì…”.
Việc chi tiêu phụ thuộc vào thu nhập của mỗi gia đình và thực sự con số của Numbeo có thể đúng với một phần đời sống của người dân. Song thực tế là, TPHCM vẫn là một trong những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam.
Hồi đầu tháng 4.2024, Tổng cục Thống kê đưa ra báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023. Theo đó, Hà Nội là địa phương có mức giá đắt đỏ nhất cả nước.
Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%. Đứng thứ hai là TPHCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội; Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương là 3 địa phương có mức giá đắt đỏ tiếp theo trong top 5.
Nhiều năm liên tiếp, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian. TPHCM – đô thị đông dân nhất cả nước – đứng thứ hai do một số nhóm hàng của TPHCM có mức giá bình quân thấp hơn. Đơn cử, mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép bằng 82%; văn hóa, giải trí, du lịch bằng 91,8%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,9%.
Sự khác biệt giữa những con số khảo sát cho thấy, cần phải có những thống kê cụ thể hơn, chính xác hơn về mức thu nhập, chi tiêu của người dân để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, trong đó có câu chuyện thuế thu nhập đang lạc hậu và chưa đúng với thu nhập, chi tiêu của người dân.
Nguồn: Laodong.vn