Những ngày tháng qua, hàng vạn cán bộ dân số trên khắp cả nước vẫn đang chịu đựng những bất bình đẳng trong chính nơi làm việc, do chính nghề nghiệp có hai chữ “dân số” của mình mang lại. Họ không chỉ đối mặt với những khó khăn trong công việc, mà hàng ngày những áp lực công việc đó lại theo họ về dưới mỗi mái nhà, khiến những nỗi buồn mênh mang hơn bao giờ hết.
Nhân niềm vui, chia bớt nỗi buồn
Thời gian qua, Báo Lao Động đã liên tục đăng tải các bài viết liên quan đến những bất cập trong đảm bảo chế độ, chính sách của cán bộ dân số trên cả nước. Đây cũng là tờ báo đầu tiên lên tiếng vì sự công bằng cho các cán bộ dân số.
Tháng 9.2023, tập thể cán bộ dân số 63 tỉnh, thành phố vừa có thư cảm ơn gửi đến Báo Lao Động vì đã đồng hành, lên tiếng vì quyền lợi và tiếng nói của người lao động, của viên chức dân số cả nước.
Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế – Đào Hồng Lan đã từng khẳng định nhiệm vụ chính của cán bộ dân số là làm chính sách dân số theo các quy định của Pháp lệnh Dân số, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, khi triển khai thực hiện chế độ, chính sách ở địa phương, đã nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm các nhiệm vụ y tế khác nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định.
Đồng thời, triển khai thực hiện Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05 năm 2023 về việc triển khai thực hiện các chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ y tế làm công tác dân số không nằm trong đối tượng triển khai của Nghị định 05 này.
Ngay sau những kiến nghị của cán bộ dân số, Bộ Y tế đã trực tiếp cử các đoàn xuống công tác tại các địa phương để nắm bắt tình hình và cũng đã có văn bản 5492 gửi cho Ủy ban nhân dân các tỉnh về việc rà soát lại việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ dân số. Thế nhưng, mãi đến nay, mọi việc dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”, càng khiến cán bộ dân số mang nhiều tâm tư, thậm chí đau khổ, thất vọng, chán nản.
“Chúng tôi không còn niềm tin, không còn muốn cống hiến cho cái nghề… bạc như vôi này. Đến danh sách đề nghị nhận phụ cấp của Trung tâm Y tế còn có lái xe và hợp đồng nhưng dân số lại không thấy đâu. Chúng tôi vẫn phải đi tuyên truyền bình đẳng giới. Trong khi đó, lại bị bất bình đẳng trong chính ngôi nhà làm việc của mình. Cảm giác rất buồn. Trạm có 6 người, 5 người ngồi tính toán khi nhận tiền về sẽ làm cái gì, cán bộ dân số thì… nước mắt chảy vào trong” – một cán bộ dân số của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.
Ở cơ quan, không ít cán bộ dân số cảm thấy tủi thân. Họ từ chối những khoản đóng góp của đồng nghiệp (những người nhận được phụ cấp) để động viên cán bộ dân số. Có người phải né tránh sự dò hỏi, thậm chí là những lời “nói ra nói vào” của đồng nghiệp. Về nhà, họ cũng không dám chia sẻ nỗi buồn với người thân, vì tự ti, lo rằng người thân cũng sẽ buồn. Thế nhưng, khi vụ việc ầm ĩ trên báo chí, chính những người thân trong gia đình lại ở bên động viên, an ủi các cán bộ dân số, giúp họ có động lực bước tiếp.
Từ lúc biết có Nghị định 05 về chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế, chị Phạm Thị Thủy, cán bộ dân số trạm y tế xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, đã từng rất hy vọng mình sẽ có một khoản tiền để trang trải cuộc sống. Chị còn hứa mua cho con trai một chiếc xe đạp để cháu có xe đi học trường xa, vì cháu vừa thi tốt nghiệp cấp 2.
“Khi biết cán bộ dân số không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp của Nghị định 05, tôi đã suy sụp. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu mong muốn thế là đổ xuống sông xuống biển. Lúc đó, tôi không dám nói với gia đình, với chồng con, vì tôi thấy tủi thân, tôi thương con, sợ con tôi buồn. Mãi sau này, gia đình tôi mới biết chuyện, ai cũng đều thương tôi” – chị Thủy khóc nghẹn.
Những lúc buồn khổ nhất, cũng chỉ có gia đình ở bên động viên an ủi. “Có người nói hay là tôi nghỉ việc đi, chứ cái nghề gì mà bạc bẽo. Vất vả bao năm, làm việc không khác gì cán bộ y tế để rồi lúc được hưởng chế độ thì không được đưa vào danh sách vì hai chữ “dân số”. Thế nhưng, thấy tôi yêu nghề và muốn gắn bó, chồng tôi lại động viên: “Thôi em cứ làm được đến lúc nào thì làm, sẽ có ngày họ nhìn nhận mình” – chị Thủy tâm sự.
Thực tế, cán bộ dân số đã chịu thiệt thòi nhiều năm qua. Sự thật là chế độ chính sách của cán bộ dân số chưa phù hợp với thực tiễn, cần sớm được xem xét lại, cần cấp tập giống như việc phân công nhiệm vụ cho họ vậy. Chỉ khi cán bộ dân số được hưởng chế độ phụ cấp tương xứng với nhiệm vụ, công việc, lúc đó, mới không còn những bất công, bất bình đẳng đến từ chính nghề nghiệp của họ.
Câu chuyện thiếu nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tại nhiều địa phương trên cả nước đã khiến cho lực lượng cán bộ dân số không thể đứng ngoài cuộc. Vì họ là một phần của các trạm y tế và các trung tâm y tế.
Gia đình động viên, con cái là nguồn động lực cố gắng
Ngày ngày vẫn kiên trì bám trụ với nghề, mặc những thiệt thòi, chán nản, chị Bạch Thị Kim Thoa – viên chức dân số của Trạm Y tế Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, vốn có bằng Cao đẳng điều dưỡng đa khoa chính quy vẫn đang cố gắng chờ đợi một sự ghi nhận, quan tâm. “Chúng tôi mong sớm được Đảng, Nhà nước quan tâm, sớm được tăng chế độ phụ cấp để công sức, cống hiến cho ngành y của các cán bộ dân số được ghi nhận xứng đáng. Gia đình tôi, ai cũng động viên hãy cố gắng, cứ làm việc tốt để chờ đợi sự thay đổi từ chính sách của Nhà nước. Chúng tôi không cần gì hơn, chỉ cần một sự ghi nhận công bằng” – chị Thoa nhắn nhủ.
Chị Xa Thị Hiến – cán bộ dân số xã Hiền Lương (Đà Bắc – Hòa Bình) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã phải dũng cảm vượt qua những mặc cảm nghề nghiệp của mình để đứng vững trong những tháng ngày qua. Nghe câu chuyện của người mẹ đơn thân này, chúng tôi không khỏi thương xót.
Nhìn quanh gian nhà nhỏ tối om của 2 mẹ con chị, đã xây xong 7 năm nay mà vẫn không có tiền sơn, vẫn chưa trả hết nợ, đôi mắt chị Hiến xa xăm, buồn đến lạ. Chị đã từng ước mơ, có tiền phụ cấp, chị sẽ trả bớt một ít nợ, sơn một phòng của căn nhà nhỏ cho đỡ tối tăm, rồi kê cho đứa con trai nhỏ một cái bàn học.
Hằng ngày, chị Hiến vẫn phải tranh thủ làm thêm đủ thứ việc từ đồng áng, trồng cây lấy hạt, chăn nuôi… để có đồng ra đồng vào nhưng vì không có thời gian nên thường không hiệu quả. Sau dịch COVID-19, vì đi trực triền miên, đàn lợn con của chị Hiến bị chết sạch vì không có người chăm nom. Chị Hiến lại mất đi một nguồn bấu víu. Con trai – nguồn động viên lớn nhất, giúp chị tiếp tục bước tiếp trên hành trình làm một cán bộ dân số – y tế.
Có thể thấy rằng, câu chuyện thiếu nhân lực cho y tế cơ sở trên cả nước đã dẫn đến chuyện bi hài cán bộ dân số bị “sử dụng” như cán bộ y tế cơ sở, cán bộ y tế dự phòng nhưng lại không được công nhận, không được hưởng chế độ chính sách phù hợp. Sau Nghị định 05 về phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, những bất cập trong phân công nhiệm vụ và hưởng ưu đãi, phụ cấp cho các cán bộ dân số mới được bộc lộ rõ ràng, đòi hỏi cơ quan quản lý sớm nhìn nhận, có phương án thích hợp, nhằm bù đắp những thiệt thòi mà hàng vạn cán bộ dân số phải chịu trong thời gian qua, để họ được thừa hưởng sự công bằng với các đồng nghiệp ngành y khác.
Những câu chuyện mà cán bộ dân số chia sẻ về gia đình, cuộc sống của họ khiến cho chúng tôi không khỏi xúc động. Hành trình cán bộ dân số đi tìm sự công bằng vẫn còn tiếp tục. Bên cạnh họ luôn có người thân, gia đình đồng hành, tiếp sức.
Nguồn: Laodong.vn