Theo quan niệm dân gian xưa, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”, nhưng trong tháng này cũng có ngày lễ quan trọng của Phật giáo là lễ Vu Lan.
Theo tín ngưỡng dân gian quan niệm và được lưu truyền, tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng “cô hồn”. Đây là dịp mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân, đồng thời cũng là ngày các tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được trở về cuộc sống trần gian.
Ông Phạm Gia Ngọc – Nguyên Trưởng Ban văn hóa xã hội phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), thành viên ban quản lý di tích đền Kim Liên chia sẻ: “Tháng 7 âm lịch, theo quan niệm dân gian là ngày mở cửa ngục để các vong được đi ra ngoài được ăn uống. Do vậy, người dân hay các chùa thường nấu cháo thí thực, cháo hoa (cháo trắng không), múc bát không có thìa, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bỏng kẹo, bim bim bày biện trước nhà”.
Trong cuốn Phong tục thờ cúng của người Việt (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành) cũng có viết: “Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy, dân gian còn gọi là ngày xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc”.
Trong những ngày tháng 7 âm lịch, người dân thường tổ chức các hoạt động thờ cúng, báo hiếu, giải hạn… Trong đó, một trong những hoạt động thường thấy là thả hoa đăng trên các sông, ngòi, kênh, rạch…
Giải thích về điều này, ông Phạm Gia Ngọc cho hay: “Có nhiều người đang bị hiểu sai thả hoa đăng là để cầu an cầu may mắn. Tuy nhiên, việc thả hoa đăng (có 1 ngọn nến ở giữa để tượng trưng như 1 hoa sen, bóng Phật tỏa xuống lòng sông) ở sông, hồ hay gần các cửa sông chính là để sưởi ấm, cầu siêu cho những người đã khuất dưới sông, trong đó có cả những liệt sĩ đã hi sinh thời chiến”.
Ngoài việc được xem là “tháng cô hồn”, trong tháng 7 âm lịch còn có lễ Vu Lan của Phật giáo.
Ông Ngọc cho biết: “Lễ Vu Lan là dịp để đánh thức cư xử, hành vi của con người trong gia đình, đặc biệt là lớp con, cháu rồi đến cha mẹ, ông bà… để ứng xử với nhau có đạo lí, mối quan hệ bao bọc, để xây dựng gia đình tốt hơn. Gia đình tốt thì xã hội mới phát triển.
Nhưng tôi cũng muốn nói thêm, các thành viên trong gia đình hãy luôn đối xử tốt với nhau. Tháng 7 hay lễ Vu Lan chỉ là 1 dịp để bày tỏ, thể hiện rõ nét hơn”.
Theo ông Phạm Gia Ngọc, trong tháng Vu Lan, người dân (bao gồm các phật tử) thường đến chùa, đền để tụng kinh, niệm Phật, trao đổi về ứng xử trong gia đình. Người đi lễ thường cầu cho cha mẹ sức khỏe, bình an, không ốm đau, bệnh tật (nếu cha mẹ đã mất thì cầu cho sớm siêu thoát).
Đây cũng là những tập tục lâu đời thể hiện tình cảm và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan trong tháng 7.
Nguồn: Laodong.vn