Rối loạn lo âu khiến trẻ không thể hòa nhập trong môi trường xã hội hàng ngày. Dưới đây là một số lời khuyên của tiến sĩ Mỹ dành cho cha mẹ.
Rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội) là gì?
Theo Keita Franklin – Tiến sĩ, Giám đốc lâm sàng tại Loyal Source (Mỹ) – chứng lo âu xã hội là “một tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó các tương tác xã hội có thể làm tăng sự lo lắng”.
Một số trẻ mắc chứng rối loạn thường xuyên lo lắng về việc gặp gỡ hoặc nói chuyện với mọi người. Chúng sợ hãi, xấu hổ khi bị đánh giá tiêu cực hoặc bị từ chối.
Điều trị chứng lo âu xã hội tại nhà
Trẻ mắc chứng lo âu xã hội có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng ở nhà, vì vậy, cha mẹ có thể không nhận ra.
Tiến sĩ Franklin khuyến nghị cha mẹ nên giao tiếp nhiều hơn với con và chuẩn bị trước cho các triệu chứng nhẹ có nguy cơ xảy ra.
Ví dụ, nếu trẻ lo lắng về việc nói chuyện với các học sinh khác vào bữa trưa, hãy giúp con nghĩ ra trước một số chủ đề trò chuyện. Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy con những cách tự xoa dịu trong trường hợp lo lắng ập đến (chẳng hạn như thở sâu, hình dung, tưởng tượng đến những điều tích cực…).
Liệu pháp trò chuyện
Tiến sĩ Franklin cho biết, trị liệu hành vi nhận thức CBT là một liệu pháp trò chuyện “làm việc với trẻ để hiểu suy nghĩ tác động như thế nào đến cảm xúc của chúng”.
Hình thức điều trị tâm lý này dạy trẻ điều chỉnh lại suy nghĩ của mình để giảm cường độ lo lắng. Bằng cách trao đổi, đặt câu hỏi, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ thay đổi góc nhìn khác.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ học cách thở sâu, chánh niệm, thiền định và các bài tập thư giãn khác để giải quyết các triệu chứng lo âu.
Thuốc
Nếu trẻ không đáp ứng với liệu pháp trò chuyện đơn thuần, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể khuyên dùng các loại thuốc như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Thuốc thường được sử dụng trong thời gian ngắn để giúp liệu pháp tâm lý hiệu quả hơn.
Theo tiến sĩ Franklin: “Trẻ em rất kiên cường và chứng lo âu xã hội không phải là điều không thể vượt qua”.
Nguồn: Laodong.vn