Từ một loại trái mọc dại, trái giác trở thành một đặc sản nổi tiếng của miền Tây khi được người dân sử dụng làm nguyên liệu cho các món ăn.
Trái giác là một trong những loại dây leo đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt phổ biến trong mùa mưa. Loại cây này thường mọc dại trong các vùng đất ngập mặn và đất phèn, bám vào các hàng cây trong rừng đước, rừng mắm để sinh trưởng.
Khi còn non, trái giác có màu xanh vị chua chát, chuyển sang màu đen tím khi chín và có vị chua thanh, hậu vị ngọt. Vị chua đặc trưng của trái giác đã biến loại trái dại này trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng miệt thứ.
Ẩm thực từ trái giác rất dân dã, mang đậm nét đặc trưng của miền Tây sông nước với sự kết hợp cùng nhiều loại sản vật địa phương như cá linh, cá nâu, cá lóc, lươn… Hoặc, người địa phương có thể dùng loại trái mọc dại này ngâm rượu, làm mứt.
Canh chua trái giác
Canh chua là một trong những món ăn phổ biến của người dân miền Tây sông nước. Món ăn này có thể sử dụng đa dạng nguyên liệu để tạo vị chua như khế, mẻ, me… Trong đó, vị chua từ trái giác kết hợp cùng các loại cá địa phương là đặc biệt nhất. Loại trái dại này có mặt ở nhiều nơi, dễ tìm nên thường được người dân sử dụng để chế biến thành món canh chua trái giác.
Vị chua thanh của trái giác kết hợp với đa dạng loại cá như cá lóc (cá quả), cá nâu, cá rô hay cá basa hoặc dùng các loại lươn, lịch tạo nên một món ăn dân dã và rất đặc trưng.
Để chế biến canh chua trái giác, người nấu phải đập dập trái giác để lấy nước chua, sau đó nấu cùng cá đã được ướp gia vị, thêm vào các loại rau như bạc hà, cà chua, khóm và rau thơm. Món canh này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo trong cách nêm nếm gia vị mà còn ở việc chọn lựa nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo hương vị tự nhiên, thanh mát.
Món canh chua trái giác sử dụng các loại rau nêm như quế, ngò gai, ngò om để làm giảm bớt mùi tanh của cá, gia tăng hương vị cho món ăn. Những loại rau ăn kèm đa phần là sản vật có thể tìm được ở địa phương như hẹ nước, bồn bồn, lục bình, rau muống đồng, bắp chuối, bông súng hay đọt choại. Canh chua trái giác thường được ăn cùng cơm trắng hoặc bún tươi.
Về sau, món canh chua cá giác còn được nâng tầm và mang vào thực đơn của nhiều nhà hàng và trở thành món ăn được nhiều người ưa chuộng.
Cá nâu kho trái giác
Trong bức tranh ẩm thực đa dạng và phong phú của miền Tây Nam Bộ, món cá nâu kho trái giác nổi bật như một minh chứng cho sự sáng tạo và khéo léo của người dân nơi đây. Sự kết hợp giữa cá nâu và trái giác không chỉ tạo nên một hương vị độc đáo mà còn phản ánh nét đặc trưng của ẩm thực vùng sông nước.
Để chế biến món này, cá nâu được rửa sạch, cắt khúc và ướp gia vị. Trái giác đập dập và cho vào nồi cùng cá, thêm nước mắm, đường và nước lọc, đun nhỏ lửa cho đến khi nước kho sệt lại và cá thấm đều gia vị. Người dân thường dùng trái giác già nhưng vẫn chưa chín để giữ độ chua và chát. Chính vị chát này khử mùi tanh của cá, khiến món ăn trở nên thơm ngon hơn.
Cá nâu kho trái giác thường được dùng kèm với cơm trắng hoặc cháo trắng. Vị ngọt mềm của cá nâu kết hợp với vị chua thanh của trái giác và hương thơm của các gia vị tạo nên một món ăn đậm đà, đưa cơm.
Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi của bữa cơm gia đình miền Tây. Nếu có dịp thưởng thức món cá nâu kho trái giác, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn tinh hoa ẩm thực miền Tây.
Ẩm thực từ trái giác không chỉ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế của người dân miền Tây trong việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là một phần của văn hóa ẩm thực độc đáo. Mỗi món ăn từ trái giác không chỉ mang lại hương vị mới lạ, mà còn gợi lên hình ảnh về cuộc sống bình dị, chân chất và tình yêu quê hương của người dân miền Tây.
Nguồn: Laodong.vn