Gia đình công nhân trong nhịp sống công nghiệp

Gia đình luôn được coi là một thiết chế quan trọng của xã hội, là môi trường để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục con người.

Gia đình công nhân trong nhịp sống công nghiệp

Gia đình cũng là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Nhìn từ góc độ kinh tế, gia đình cũng là một đơn vị lao động để tạo ra của cải vật chất, tạo ra sự ổn định và bền vững cho đất nước.

Đã từ lâu, mô hình gia đình truyền thống của người Việt Nam dù ở nông thôn hay thành thị thường là hai hoặc ba thế hệ, gồm ông bà, cha mẹ, con cháu và gắn kết với nhau bằng hình thức hôn nhân hợp pháp và quan hệ máu mủ ruột thịt.

Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây, theo quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, cùng với sự phát triển của các khu chế xuất và khu công nghiệp, tầng lớp công nhân ngày càng đông đảo. Hiện nay, công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phần lớn là lao động đến từ nhiều vùng nông thôn khác nhau trên cả nước.

Những người công nhân di cư từ vùng nông thôn đến đô thị để làm việc, sinh sống thường đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, từ đó bản thân cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ cũng gặp nhiều áp lực như: Thời gian làm việc căng thẳng, thu nhập thấp, thiếu thốn những điều kiện sống và tiện nghi…

Các mối quan hệ trong gia đình giữa vợ chồng, con cái cũng chịu ảnh hưởng của nhịp sống công nghiệp, tăng ca, làm trái giờ… Gia đình của người công nhân thông thường chỉ bao gồm một thế hệ gồm: Vợ chồng hoặc hai thế hệ gồm cha mẹ, con cái. Người công nhân không có đòi hỏi cao xa, kỳ vọng quá nhiều vào bạn đời và tiêu chí chọn lựa cũng rất thực tế.

Theo một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ mang tên “Lựa chọn hôn nhân và các hình thức chung sống của công nhân” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện gần đây thì tiêu chí chọn bạn đời biết cách cư xử, đạo đức tốt được đánh giá cao nhất với tỉ lệ 71,5%, tiếp theo là có nghề nghiệp ổn định (45,5%), chăm chỉ và chịu khó (29,5%).

Nhưng đấy chỉ là mong ước khi được khảo sát, còn thực tế thì nhiều công nhân không có điều kiện kết hôn do môi trường làm quen, tìm hiểu nhau ở khu công nghiệp cũng rất hạn chế. Đặc biệt tỉ lệ nữ chiếm đa số trong các khu công nghiệp cũng làm cho việc tìm kiếm bạn đời của họ khó khăn hơn. Việc hầu hết các công nhân đều đi ở trọ cũng là một nguyên nhân khiến cho việc lập gia đình theo kiểu truyền thống thêm xa vời.

Chính vì những khó khăn, gò bó trong môi trường làm việc, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, mức sống thấp khiến cho cơ hội chọn lựa bạn đời của công nhân không nhiều. Thay vào đó, xu thế sống chung, sống ghép hay sống thử như vợ chồng lại trở nên phổ biến, bởi họ không muốn đăng ký kết hôn do sợ bị ràng buộc.

Bà Nguyễn Thị A. chủ nhà trọ ở phường Bình Chuẩn, Thuận An, Khu công nghiệp Sóng Thần tỉnh Bình Dương cho biết: “Các phòng trọ ở đây lúc nào cũng kín người ở thuê. Ban đầu là những người ở cùng quê lên thuê chung phòng, sau quen dần thì các cặp đôi tách ra thuê phòng riêng. Họ cứ ở với nhau như vậy, giống như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn hay đám cưới gì cả, có đôi chỉ ở được vài tháng, có đôi thì ở vài năm rồi lại bỏ nhau, họ cứ sống tạm, sống ghép vậy thôi”.

Từ đó lại nảy sinh hậu quả là sau khi chia tay, nhiều phụ nữ trở thành mẹ đơn thân, nuôi con một mình, hoặc là đi nạo phá thai. Khi được hỏi vì sao chọn hình thức sống thử, công nhân Trần Văn Giang đến từ Cà Mau đang ở trọ tại đây thổ lộ: “Thì sống tạm bợ vậy thôi vì mai mốt lỡ đâu thất nghiệp, về quê, nếu kết hôn rồi thì thêm phiền. Cứ sống chung tới đâu hay tới đó”.

Có thể thấy cuộc sống gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần dẫn đến tâm lý của công nhân ngày càng không tin tưởng vào tình yêu, hôn nhân và gia đình và chọn cuộc sống chung mang tính chất tạm bợ, qua ngày mà không quan tâm đến những hệ lụy, hậu quả.

Thực tế từ đời sống gia đình công nhân cho thấy, trong chiến lược phát triển và xây dựng gia đình Việt Nam theo hướng khẳng định hệ giá trị văn hóa, biến mỗi gia đình thành một tổ ấm, thành đơn vị kinh tế, thì việc quan tâm và xây dựng những chính sách phù hợp để hỗ trợ gia đình công nhân là việc cần phải làm ngay.

Khi đề cập đến đời sống công nhân, không chỉ là quan tâm đến việc làm hay thu nhập, mà các chính sách an sinh xã hội liên quan đến đời sống gia đình cũng cần phải được đề ra cụ thể và thực hiện rốt ráo. Đặc biệt, không thể thiếu các hình thức giáo dục, vận động, tuyên truyền nhiều mặt để nâng cao ý thức và trách nhiệm của công nhân đối với cuộc sống gia đình.

Nguồn: Laodong.vn