Giới trẻ Trung Quốc được khuyến khích yêu sớm

Nhà tâm lý học Trung Quốc cho rằng, xã hội hiện đại khiến nhiều bạn trẻ gen Z có xu hướng độc thân hơn là tìm kiếm mối quan hệ yêu đương lâu dài.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông đại lục Phoenix News, Chi Yukai – nhà tâm lý học đến từ Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc) – đã công bố kết quả khảo sát khi tìm hiểu sâu về thái độ của giới trẻ đối với các mối quan hệ.

Theo đó, nhóm người từ 18 đến 25 tuổi (Gen Z) là nhóm tuổi lý tưởng để hẹn hò. Tuy nhiên, ông cho rằng, giới trẻ Trung Quốc hiện nay có xu hướng suy nghĩ quá nhiều và do dự khi bắt đầu một mối quan hệ.

Chuyên gia tâm lý khuyến khích chuyện yêu đương của giới trẻ thế hệ gen Z. Ảnh: SCMP

Theo ông, người Trung Quốc truyền thống cho rằng, chuyện tình cảm tuổi teen (dưới 20) là yêu sớm. Nhiều phụ huynh mặc định việc hẹn hò sẽ khiến con em mình mất tập trung và gây tổn hại đến kết quả học tập.

Nhà tâm lý học phản đối hoàn toàn điều này và cho hay, đây là một quan niệm độc hại, dẫn đến hiểu biết sai lầm về các mối quan hệ lãng mạn của tuổi trẻ.

Ở Trung Quốc, việc hẹn hò trước khi học đại học thường bị phản đối. Nhưng sau khi tốt nghiệp, các thanh niên thường bị áp lực phải kết hôn ngay. Lúc này, họ chưa kịp tìm hiểu về đối phương và nhận ra mong muốn thực sự của mình nên việc ngoại tình trong hôn nhân dễ xảy ra.

“Vì vậy, việc khuyến khích học sinh cấp 2 thể hiện tình cảm trong điều kiện an toàn là phù hợp” – Chi Yukai nói.

Theo Báo cáo về thái độ hẹn hò của giới trẻ năm 2023, mức độ sẵn sàng hẹn hò của những người trẻ Trung Quốc đạt khoảng 5/10. Trong số 2.801 người tham gia khảo sát, hơn một nửa tin rằng, mối quan hệ yêu đương sẽ ảnh hưởng đến học tập và phát triển sự nghiệp của họ.

Nhà tâm lý học coi quan niệm không kết hôn hay hẹn hò là sản phẩm của sự tiến bộ xã hội.

“Sự phát triển kinh tế làm đa dạng hóa các hình thức hôn nhân và các mối quan hệ lãng mạn. Nhiều người bây giờ tin rằng, họ có thể sống độc thân một cách tuyệt vời mà không cần kết hôn” – ông cho biết.

Trong khi đó, văn hóa “dazi” (hay còn gọi là “làm quen”) rất phổ biến tại Trung Quốc, phần lớn đáp ứng nhu cầu về tình cảm mà các mối quan hệ lãng mạn thường hướng tới.

Đối với những người trẻ tuổi ở Trung Quốc, khái niệm về văn hóa “dazi” rất đơn giản. Mọi người sẽ cùng tụ tập để tham gia vào các hoạt động mà họ yêu thích như nấu nướng, ăn uống, tập thể dục, du lịch…

Mối quan hệ của giữa họ được xây dựng trên tình bạn đồng hành ngắn ngủi và gần như hời hợt. Thế hệ trẻ tin rằng, điều này mang đến sự đồng hành về mặt cảm xúc hiệu quả hơn là hẹn hò.

Tuy nhiên, ông Chi cảnh báo, nền văn hóa như vậy không thể thay thế được những trải nghiệm tình yêu đích thực. “Việc tìm kiếm một dazi chỉ mang đến niềm vui đơn giản, tức thời, nhưng cuộc sống đòi hỏi sự hỗ trợ tinh thần sâu sắc hơn” – ông nói.

Lời khuyên hẹn hò của nhà tâm lý học đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội tại Trung Quốc.

Một cư dân mạng bình luận: “Quả thực, việc tìm kiếm dazi không phải là kế hoạch lâu dài. Chúng ta nên nuôi dưỡng những mối quan hệ thân mật có ý nghĩa hơn, chẳng hạn như với gia đình, bạn bè thân thiết”.

“Những người từ 18 đến 25 tuổi đang bận rộn với học tập và công việc. Nhiều người không có ngày nghỉ cuối tuần và phải làm thêm giờ mỗi ngày. Họ tìm đâu ra năng lượng và thời gian để hẹn hò?”, một người khác viết.

Trong khi, nhiều cư dân mạng lắng nghe lời khuyên, nhưng cho rằng, cuộc sống của mỗi người là duy nhất. Do đó, mỗi người trẻ có quyền tự do hẹn hò hoặc theo đuổi học hành, sự nghiệp tùy theo sở thích và lý tưởng.

Nguồn: Laodong.vn