Hạnh phúc là được nấu từng bữa ăn cho con

“Hạnh phúc của tôi là mỗi sáng thức dậy được bận rộn lo đồ ăn sáng cho con rồi đi làm” – chị Nguyễn Thị Thu Hiên, công nhân một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ như vậy khi được hỏi mong ước gì vào Ngày gia đình Việt Nam.

Hạnh phúc là được nấu từng bữa ăn cho con

Được lo cho chồng con là hạnh phúc

Chị Hiên quê ở Ninh Bình, ra Hà Nội làm công nhân rồi gặp chồng – quê Thái Bình cũng ra Hà Nội làm công nhân. Tình yêu của anh chị được nuôi dưỡng từ trong những ngày khó khăn khi cả 2 cùng phải chắt chiu từng đồng để gửi về giúp đỡ gia đình, còn bản thân thì chi tiêu tằn tiện. Có lẽ chính những ngày tháng ấy đã làm nên một tình yêu thật đẹp, dù đến giờ anh chị mới chỉ đăng ký kết hôn chứ chưa có đám cưới.

Sở dĩ như vậy vì khi dự định tổ chức một đám cưới giản dị thì xảy ra đợt dịch COVID-19, rồi cứ lần lữa, cuối cùng anh chị quyết định đăng ký kết hôn và có em bé. Đến giờ em bé được 3 tuổi nhưng anh chị vẫn chưa tổ chức đám cưới. Chồng chị Hiên chia sẻ: Tôi muốn tổ chức đám cưới để vợ được mặc váy cưới như trước đây cô ấy từng mơ ước nhưng cô ấy bảo để sau đi, giờ lo cho con trước đã.

Khi hỏi chị Hiên, Ngày gia đình năm nay chị mong ước gì, chị trả lời: Với chúng tôi, ngày nào cũng là ngày của gia đình vì chúng tôi có con. Giờ tất cả dồn vào lo cho cháu. Hạnh phúc của tôi là mỗi sáng thức dậy được bận rộn lo đồ ăn sáng cho con rồi đi làm. Chồng chị Hiên thì bảo, giờ chỉ mong công ty có nhiều việc để có thể tăng ca, kiếm thêm tiền lo cho vợ con, để vợ đỡ vất vả. Anh cũng mong muốn vào một dịp nào đấy sẽ đưa vợ và con đi Đà Nẵng chơi – một nơi chị Hiên vẫn thích mà chưa có cơ hội được đến.

Mong có điều kiện đón con lên Hà Nội

Đến khu xóm trọ của công nhân tại thôn Sáp Mai (Đông Anh) vào buổi chiều muộn sẽ được cảm nhận không khí gia đình mà không cần phải đến “Ngày gia đình Việt Nam” mới có. Các “ông” chồng người bế con nhỏ, người chơi với con trong khoảng sân khá rộng trước khu trọ. Trong mỗi căn phòng nhỏ bé, các “bà” vợ nấu bữa cơm chiều. Là một trong những “bà” vợ đang lo rửa rau, vo gạo, chị Nguyễn Thị Hồng vừa làm vừa nhìn theo chồng đang bế con thứ 2 mới gần 7 tháng tuổi với ánh mắt trìu mến.

Chị Hồng kể, hai vợ chồng cùng là công nhân, chị lại đau yếu nên chồng vất vả hơn người khác. Vợ chồng chị có 2 con. Bé lớn được gửi về Tuyên Quang để ông bà chăm lo, cho đi học. Vợ chồng chị ở Hà Nội, đi làm và nuôi bé thứ 2. Không phải nói thì ai cũng hiểu hoàn cảnh những công nhân lên Hà Nội làm việc kiếm tiền phải gửi con cho bố mẹ ở quê. Với họ nỗi nhớ con ở xa không bao giờ nguôi ngoai. Cũng như chị Hồng, các công nhân khi được hỏi đều tâm sự mong muốn lớn nhất là có đủ điều kiện đưa con lên Hà Nội sống cùng để chăm lo cho con từng ngày. Thế nhưng cuộc sống thường ngày với đông đủ thành viên trong gia đình vẫn là một điều nhiều gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hướng tới mà chưa thể thực hiện được.

Cũng trong xóm trọ đấy, gia đình anh Nông Văn Dương có phần may mắn hơn trong xóm trọ cùng là công nhân khi vợ chồng anh đón được cả 2 con lên ở cùng. Những gia đình như gia đình anh Dương không nhiều. Niềm vui của vợ chồng anh là hàng ngày được dạy dỗ và nhìn con lớn lên. Để lo cho 2 con, vợ chồng anh phân công, người dạy con học, người lo cơm nước. Với anh Dương, vui nhất là bữa cơm tối, phải đi khắp xóm gọi con về ăn cơm. “Bọn trẻ mải chơi, nhưng nghỉ hè nên để chúng thoải mái một chút. Sang tuần sau gửi chúng về quê chơi với ông bà 10 ngày là vợ chồng lại nhớ chúng nó lắm đấy” – anh Dương nói.

Có một gia đình lớn ở các xóm trọ

Năm nào, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng tổ chức biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của gia đình, những năm qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động công nhân viên chức lao động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức Công đoàn giúp công nhân viên chức lao động yên tâm công tác, lao động, sản xuất, cống hiến cho xã hội.

Các nội dung về công tác gia đình được lồng ghép, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các nội dung về xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc trở thành các tiêu chí để bình xét, công nhận danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Những gia đình tiêu biểu được tôn vinh đều dựa trên tiêu chí các thành viên trong gia đình đều có ý thức nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống con người, trong xây dựng, giữ gìn nét đẹp truyền thống gia đình người Việt, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, càng nhiều tế bào tốt thì sự phát triển của xã hội Việt Nam ngày càng bền vững. Việc mỗi cá nhân nỗ lực xây đắp cho gia đình ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng là góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Việc biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu do Công đoàn tổ chức luôn đem lại nguồn động viên lớn cho mỗi đoàn viên, người lao động, để từ đó họ được tiếp thêm sức mạnh chăm lo tổ ấm. Còn với những công nhân lao động trong xóm trọ ở Sáp Mai, sau bữa cơm chiều, bọn trẻ con lại chạy ra sân chơi, bố mẹ chúng quây quần bên nhau nói đủ thứ chuyện. Chính họ – những công nhân về Hà Nội làm việc đang tạo nên một gia đình lớn.

Nguồn: Laodong.vn