Khi được hỏi ý kiến “Vì sao mong muốn kết hôn muộn sau 30 tuổi”, có đến 62% cho rằng lý do chủ yếu vẫn là nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Kết quả khảo sát khá thú vị, 10% cho rằng, tình cảm chưa đủ chín; 19% nói rằng, chưa tìm được đối tượng phù hợp và 9% có các lý do khác. Mặc dù chỉ là một khảo sát quy mô không lớn nhưng cho thấy một xu hướng của các bạn trẻ: Kết hôn muộn.
Tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước năm 2021 là 26,2 tuổi (cao hơn 0,5 tuổi so với năm 2020); năm 2022 là 26,9 tuổi. TPHCM có độ tuổi kết hôn rất muộn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của TPHCM là 29,8 tuổi.
Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ XXI.
Nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, nước ta đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Nỗi lo kết hôn muộn “vì cơm áo gạo tiền” còn gắn liền với trách nhiệm khi sinh con. Với mức sống hiện nay, chi phí dành cho một đứa trẻ khi ra đời, đi học khá lớn, thậm chí chiếm trên 50% thu nhập của gia đình. Bởi vậy nảy sinh tâm lý đi làm, đủ tích lũy mới lập gia đình, sinh con và số lượng con rất ít.
Để đảm bảo mức sinh thay thế tự nhiên và chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai, không thể không quan tâm tới vấn đề xã hội này. Chính vì thế mới đây, Bộ Y tế đề xuất Dự án Luật Dân số không quy định cụ thể về số lượng mà trao quyền quyết định sinh bao nhiêu con cho từng cặp vợ chồng. Dự luật không đặt ra quy định cụ thể về số lượng con của từng cặp vợ chồng. Thay vào đó, dự luật sẽ trao quyền quyết định cho từng gia đình, đi kèm là trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt. Điều này cho thấy những thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số – văn bản pháp luật về dân số quan trọng nhất hiện nay. Theo pháp lệnh này, mỗi cặp vợ chồng hoặc cá nhân chỉ được “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Theo Bộ Y tế, việc trao quyền quyết định số con cho các bậc phụ huynh sẽ giúp đối phó với tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp, dẫn đến già hóa dân số và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội… Hậu quả dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm.
Kết hôn muộn và sinh con là vấn đề quốc gia, không chỉ là câu chuyện của cá nhân, của mỗi gia đình.
Nguồn: Laodong.vn