Mâm cơm cúng những người anh hùng

Những ngày cuối tháng 7, dương thế chập chờn mưa nắng, nhân tâm thổn thức nỗi niềm. Khói trời mù mịt sau cơn bão rớt càng khiến tháng 7 u hoài. Có tiếng nấc nào vừa bị chặn lại, để nỗi đau theo cánh khói hương bay, vẩn vơ bên những mâm cơm cúng cho chồng, cho cha, cho con, cho cháu, cho những người anh hùng đã mãi mãi không trở về?

Mâm cơm cúng những người anh hùng
Mâm cơm tối cuối cùng do Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (515) của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang chuẩn bị cho 6 liệt sĩ được tìm thấy và quy tập trên địa bàn, trước khi tiễn đưa các anh về Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: VTV

*

Có lẽ, trừ dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, chẳng có khoảng thời gian nào trong năm, người Việt lặng lẽ rủ nhau cùng làm mâm cơm cúng nhiều như thế. Những ngày cuối tháng 7, khói bếp chen lẫn khói hương, làm cay xè đôi mắt. Tháng để tưởng nhớ anh linh liệt sĩ, đã ngã xuống cho độc lập, tự do của đất nước này.

Biết bao lớp trai của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc từ khi đất nước mới được hình thành, kinh qua hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc, cho đến thuở yên hàn này. Tất cả đều được tưởng nhớ trong ngày 27.7, một mốc thời gian mang tính quy ước, dung nạp được tất cả, bất kể thời đại, bất kể giai đoạn lịch sử, bởi đó là ngày tôn vinh những người đã xả thân vì hòa bình, độc lập.

Phẩm giá dân tộc đã được viết bằng máu của muôn vạn anh linh liệt sĩ, để chúng ta hiểu được giá trị của “độc lập, tự do”. Nhờ những thế hệ đã ngã xuống, nên chúng ta mới được ngồi bình an trong gia đình để ăn một bữa cơm ngon, ngủ một giấc yên không giật mình thon thót.

Được ăn bát cơm đó, phải nhớ đến những người đã không quay về sau khói lửa, phải làm một mâm cơm cúng để các anh linh cũng được ấm lòng ấm dạ, mà người ở lại cũng đỡ đau lòng. Bởi dù sao, người Việt vẫn coi trọng việc ăn, “dân dĩ thực vi thiên”, người dân lấy miếng ăn làm trời. Hòa bình, độc lập, tự do có thể vẫn trừu tượng, được ăn một bữa cơm no đủ, được sống không phải lo cảnh đói khát, đấy chính là hòa bình.

Vậy nên, người Việt làm cơm cúng để cám ơn, để khắc cốt ghi tâm công lao của những anh hùng đã giúp mình có được những bữa “hòa bình”. Cái gì mình khao khát mong cầu, cái đó người khác cũng khao khát, mong cầu. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” chẳng phải là thế sao?

Vậy nên, sửa soạn một mâm cơm cúng tinh tươm cũng là cách tưởng nhớ công ơn của những liệt sĩ đã hy sinh để cho mình có thể dâng mâm cơm cúng này. Lễ mọn, lòng thành đó cũng trang nghiêm, cung kính giống như dâng mâm cơm lên trời đất, tổ tiên trong ngày Tất niên và ngày tân niên.

Tùy theo gia cảnh, mâm cỗ cúng có thể ê hề mâm cao, cỗ đầy hay chỉ đơn sơ một chén nước sạch, một nén hương. Nhưng nhìn chung, mâm cơm cúng gần gũi với mâm cơm trang trọng của người Việt, dùng để thết đãi người thân, khách khứa hay trong những dịp sum vầy.

Trần sao, âm vậy, hương hồn của liệt sĩ đâu phải huyễn hoặc như Trời Phật, xa vời như tổ tiên tằng tổ, mà chỉ là người ông, người cha, người anh, người chồng, người con hay chú bác anh em… đã từng chia bùi sẻ ngọt trong cõi nhân sinh này, vẫn còn di ảnh mà thôi. Vậy nên mâm cơm cúng cũng chỉ toàn món thân quen, hay những món mà người đã khuất thích ăn.

Nhìn một cách tổng thể, mâm cơm cúng cơ bản sẽ là xôi, gà luộc, các món ăn mặn, hoa quả. Những món ăn trong mâm cúng của miền Bắc thường được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ món xôi đồ, gà luộc, giò lụa, thịt quay, bê thui, măng nấu chân giò, miến nấu lòng gà, xôi vò, chè hoa cau… theo công thức 4 đĩa + 4 bát hoặc 6 đĩa + 6 bát.

Trong khi đó, mâm cơm cúng ở miền Trung lại thật thà, chân chất hơn với các món được chế biến bằng những gì có được như cá tôm đánh bắt ngoài biển, rau củ quả trồng ở vườn, gà lợn nuôi trong chuồng. Các món trong mâm cơm cúng được chia theo 4 nhóm canh, xào, luộc và chiên/ nướng.

Canh xương, canh khổ qua nhồi thịt, canh lòng gà, thịt heo luộc, thịt gà luộc, đĩa xào thập cẩm, tôm nướng, cá chiên, chả giò chiên, bỏng, xôi chè… chính là những món thường thấy trong mâm cơm cúng tháng Bảy ở miền Trung.

Có lẽ mâm cơm cúng của Nam Bộ là gần gũi nhất, bởi vẫn là các món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Như thịt kho hoặc cá lóc kho nước dừa, thịt ba chỉ luộc, thịt heo hầm măng tre, thịt xào chua, thịt xào mặn với rau cải hoặc tôm xào.

Mỗi vùng có một phong tục tập quán khác nhau, nhưng khi làm mâm cơm cúng, người Việt luôn tuân thủ những quy tắc chung. Tuyệt đối không nêm nếm thức ăn, ăn thử các món ăn để làm cơm cúng giỗ hay không cúng các món gỏi, sống sít, có mùi tanh.

Mâm cơm cúng giỗ phải được đặt riêng, bày trên những bát đĩa mới hoặc dùng riêng cho việc làm cơm cúng, tránh dùng chung với chén đĩa sử dụng hàng ngày. Bởi những thứ bát đũa, món ăn này là dâng lên cho các anh linh liệt sĩ, nên cần nghiêm cẩn, không thể qua quýt, úi xùi.

**

Cách đây gần chục năm, người viết đã có dịp được dự cái giỗ rất đặc biệt, nên càng hiểu rõ hơn những quy tắc trong việc làm cơm cúng này. Đó là mâm cơm cúng 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma vào ngày 14.3.1988. Người làm cơm cúng là cụ Hoàng Dỏ (hiện đã qua đời), ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, Quảng Bình, thân sinh của liệt sĩ Hoàng Văn Túy.

Mâm cơm cúng của cụ Dỏ rất mộc mạc với trứng vịt luộc, cơm trắng, chả giò, gà luộc, thịt heo luộc, đĩa xào thập cẩm, canh xương, rượu trắng, thuốc lá, trà, hoa quả, bỏng và một chút vàng mã. Tuy nhiên, mâm cơm cúng được bày biện đủ 64 chiếc bát, 64 đôi đũa hoàn toàn mới tinh để “anh em chúng nó sống cùng nhau, chết cùng nhau nên mâm cơm cúng đứa mô cũng phải về ngồi ăn chung với nhau”.

Mâm cơm cúng với 64 cặp bát đũa đó đã được duy trì hơn 10 năm qua, đến khi cụ Dỏ khuất núi thì lại được con cái của cụ tiếp nối. Nhìn hình ảnh cụ Dỏ đã gần 90, vẫn ăn mặc chỉnh tề để mời anh linh của con trai mình và 63 đồng đội về ăn cơm, tôi chạnh lòng nhớ tới Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa của bà con trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa thực chất là một lễ giỗ những người lính Việt Nam đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo ở thế kỷ 17. Các chúa Nguyễn đã thành lập “đội Hoàng Sa” gồm 70 dân đinh giỏi nghề đi biển để ra khơi đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, đồng thời cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cứ vào tháng 2 Âm lịch, đội lính này nhận lệnh ra đi và đến tháng 8 Âm lịch trở về. Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa. Trong suốt 3 thế kỷ, đã có hàng vạn người lính thủy quân Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong số đó nhiều người đã mãi mãi không trở về, chỉ được chiêu hồn bằng những mộ gió nằm trên đảo Lý Sơn.

Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa chính là để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh. Khao lề là lệ khao định kỳ hàng năm, còn thế lính là nghi lễ cúng thế mạng cho những người lính thủy quân Hoàng Sa. Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa còn để cúng tế và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.

Lễ vật trong Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa thường có trầu, rượu, hoa quả, thịt, cá, gạo, muối, mắm, bỏng nếp, bánh khô và đặc biệt là chiếc thuyền tre có đế làm bằng thân cây chuối gắn đầy đủ buồm, cờ, phướn; hình nộm bằng khung tre dán giấy ngũ sắc và linh vị ghi tên tuổi của những người trong họ tộc đã hy sinh khi đi lính Hoàng Sa.

Quy mô của Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa rất lớn, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013. Tuy nhiên, nó cũng có ý nghĩa tương tự mâm cơm cúng 64 liệt sĩ Gạc Ma của cụ Hoàng Dỏ, đều là tưởng nhớ những người con đã hy sinh trên sóng nước biển Đông để giữ vững chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Thế nên, khói hương tháng Bảy nào cũng làm cay mắt, bởi lòng người Việt Nam nào cũng rung động khi nhắc tới, nhớ đến những anh linh liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước đứng lên. Tự tấm lòng biết ơn của mỗi cá nhân đã là mâm cơm cúng thành kính nhất dâng lên cho các anh hùng!

Nguồn: Laodong.vn