Nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay không muốn có con sau khi kết hôn hoặc ngại sinh con thứ hai vì những áp lực xoay quanh vấn đề kinh tế, việc làm… hoặc đơn giản là muốn tận hưởng cuộc sống riêng.
Tỉ suất sinh đẻ giảm
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2009, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có tỉ suất sinh xoay quanh mức 2,1 con. Nhưng đến năm 2023, mỗi phụ nữ Việt Nam chỉ còn 1,9 con, tỉ suất thấp nhất từ trước đến nay (trích từ Cổng Thông tin Bộ Y tế).
Việc không duy trì được mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến quy mô dân số, cơ cấu tuổi trong tương lai, tác động đến độ tuổi lao động…
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Tại hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” ngày 10.11.2023, TS. Hà Anh Đức – Chánh Văn phòng Bộ Y tế – cho biết, nghiên cứu quốc tế công bố năm 2020 cho thấy, dân số Việt Nam sẽ giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100, nếu không có biện pháp nâng mức sinh.
Dựa theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện nay, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%.
Trong đó, khoảng 50% là vợ chồng dưới 30 tuổi. Thực trạng hiếm muộn cũng ảnh hưởng đến việc gia tăng dân số, duy trì mức sinh thay thế đạt 2,1 con/phụ nữ.
Không chỉ vậy, những năm gần đây, các gia đình trẻ ở thành phố lớn và nhiều vùng miền của Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ suất sinh giảm mạnh. Nhiều phụ nữ, trong đó có phụ nữ trẻ tuổi đang có tâm lí ngại sinh đẻ, ngại nuôi con do áp lực về kinh tế, việc làm, nhà ở…
Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đang lan rộng trong các đô thị. Trong đó, những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, các cặp vợ chồng trẻ đang không mấy mặn mà với chuyện sinh con.
Tâm lý người trẻ ngại sinh con
Xu hướng không muốn có con ngay sau khi kết hôn cũng ngày càng tăng lên và có chiều hướng tăng mạnh ở thế hệ gen Z.
Chị Linh Phương (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho hay: “Tôi và chồng đã cưới nhau được 3 năm nhưng chưa sinh con. Chúng tôi cưới sớm (thời điểm vợ 21 tuổi và chồng 23 tuổi) nên chưa sinh con ngay. Hai vợ chồng quyết định tập trung cho công việc, ổn định kinh tế, cuộc sống, mua nhà và khi nào có điều kiện tốt nhất thì mới sinh nở.
Chỉ khi kinh tế ổn định thì con sinh ra mới được chăm sóc chu đáo, đầy đủ mà không phải nơm nớp lo sợ. Hai bên gia đình ban đầu cũng thúc giục, nhưng sau khi hai vợ chồng trình bày quan điểm thì bố mẹ đồng ý, chỉ khuyên rằng đừng sinh muộn quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Chúng tôi dự định khoảng 1-2 năm nữa sẽ sinh con và quan điểm là sinh 1 cháu”.
Không chỉ vậy, tình trạng những cặp vợ chồng kết hôn nhiều năm chưa muốn sinh thêm con thứ hai cũng khá phổ biến hiện nay.
Như trường hợp của anh Hoàng Công Trí (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): “Tôi vẫn nhận được sự động viên từ gia đình, bạn bè. Mẫu số chung vẫn là: Sinh thêm em bé đi, có chị có em, gia đình sẽ đỡ vất vả sau này. Vợ và tôi cũng có lúc dao động.
Tuy nhiên, việc sinh và nuôi dưỡng 1 đứa bé bây giờ đã khác nhiều so với trước kia. Căn cứ từ điều kiện gia đình, thu nhập, tài chính… tôi và vợ cho rằng, việc sinh con có thể ảnh hưởng đến chính tương lai của em bé hay của gia đình. Vậy nên, cho đến hiện tại, tôi vẫn duy trì quan điểm dành sự quan tâm cho con gái hiện tại thay vì việc sinh thêm con”.
Đồng quan điểm, vợ chồng anh Nguyễn Đức Giang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chưa muốn có thêm con thứ hai: “Thực ra, vợ chồng tôi từng rất băn khoăn về việc chỉ sinh một con hay sinh thêm con thứ hai. Mỗi khi nhìn thấy các bé gái, vợ tôi cũng muốn có thêm một cô công chúa.
Nhưng suy đi tính lại, nếu có thêm một con, áp lực về nhiều mặt là rất lớn, từ tài chính đến giáo dục, sau này làm sao để lo cho con mình một cách tốt nhất. Liệu có hai em bé rồi có thể tự tin chăm lo tốt cho cả hai không? Sau thời gian suy nghĩ, hai vợ chồng thống nhất là chỉ cần 1 bé là đủ”.
Anh Giang nói thêm: “Mặc dù ông bà hai bên cũng động viên có thêm cháu, đề nghị hỗ trợ về kinh tế, nhưng quan điểm của vợ chồng tôi rất rõ ràng, nuôi con là việc của bố mẹ. Ngay cả những công việc thường nhật của bé, bố mẹ cũng là người lo, ông bà chỉ hỗ trợ trông cháu hoặc chơi đùa cùng cháu lúc rảnh rỗi. Hai vợ chồng đều không muốn phụ thuộc tài chính từ hai bên gia đình để nuôi con.
Hơn nữa, sức khỏe vợ tôi cũng có một số vấn đề, mà người sinh con là vợ nên tôi để bạn ấy quyết định, hoàn toàn ủng hộ 100%. Nếu như hai vợ chồng đồng lòng quyết tâm, có đủ tài chính thì tôi nghĩ cũng nên sinh 2 bé.
Nhưng nhà tôi lại ham chơi một chút, thời gian bị chi phối bởi công việc nên không muốn có thêm em bé. Cả hai đều hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và quyết định đó”.
Nguồn: Laodong.vn